Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa cực kỳ phổ biến. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ một chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, lối sống mất cân bằng, sử dụng thuốc hoặc các tình trạng y tế khác.
Táo bón không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng gây phiền phức và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng vùng hậu môn. Ngoài việc đi đại tiện khó khăn, táo bón còn gây ra các biểu hiện như đầy bụng, đau vùng bụng hay đánh rắm, đi đại tiện ra máu, buồn nôn, tâm trạng hay cáu gắt, mệt mỏi, giảm khả năng lao động…Táo bón lâu ngày gây ra chứng sợ đi đại tiện.
Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu. Trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Dấu hiệu để nhận biết táo bón:
Đối với người lớn: quá 3 ngày không thể đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn.
Đối với trẻ em: không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức. Hoặc ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi 5-7 ngày không đi đại tiện; phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy; trẻ quấy khóc, lười ăn/bú, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng.
Tình trạng táo bón có thể bắt nguồn từ một chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, thiếu khoa học hay lối sống sinh hoạt hằng ngày mất cân bằng hay do sử dụng thuốc hoặc các tình trạng y tế khác (bệnh lý, nội tiết).
a. Do chế độ ăn uống
Chất xơ có tác dụng hỗ trợ phân có thể dễ dàng di chuyển trong ruột và tống ra ngoài cơ thể, một chế độ ăn quá nhiều chất béo sẽ khiến chúng ta có xu hướng ít ăn rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn ít chất xơ sẽ gây ra táo bón và nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
Cafein trong cà phê sẽ khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn. Uống quá nhiều cà phê dẫn đến cơ thể bị mất nước và nguy cơ bị táo bón.
Đồ uống chứa nhiều cồn như rượu, bia có thể làm chậm nhu động đường tiêu hóa, gây khó khăn trong việc đi đại tiện.
Thành phần dưỡng chất có trong sữa rất cao, chứa nhiều chất béo nhưng rất ít chất xơ. Điều này khiến cho quá trình tiêu thụ sữa mất nhiều thời gian, uống quá nhiều dễ gây táo bón.
b. Do lối sống sinh hoạt hằng ngày
Nhịn đi đại tiện sẽ khiến cơ hậu môn phải co thắt để giữ phân trong trực tràng. Trong trường hợp nghiêm trọng, hậu quả của nhịn đi đại tiện quá lâu có thể gây khó khăn khi tiểu và gây đau khi quan hệ ở phụ nữ.
Khi chúng ta nhịn đi đại tiện, trong vòng 1 giờ đầu tiên, cảm giác dễ nhận thấy là căng ở trực tràng, với trường hợp nghiêm trọng có thể là cảm giác co thắt.
Sau 6 giờ, lượng nước trong phân sẽ giảm và chúng ta sẽ khó tống phân ra ngoài hơn. Cảm giác muốn đi tiêu giảm đi nhưng tình trạng này có thể dẫn đến táo bón.
c. Bệnh lý
Mắc bệnh lý thực thể: nếu mắc các bệnh nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn sẽ dễ bị táo bón.
Mắc bệnh lý toàn thân: mắc bệnh về thần kinh (đột quỵ, Hirschsprung, Parkinson, chấn thương đầu, tủy sống), vấn đề tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu), rối loạn nội tiết (chuyển hóa tăng canxi máu, hạ kali máu, tiểu đường), bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), bệnh mô liên kết (xơ cứng bì, lupus), nhiễm độc chì cũng gây táo bón.
Rối loạn chức năng sàn chậu khiến các cơ ở vùng bụng không thể co, các cơ ở vùng sàn chậu không giãn. Điều này cản trở quá trình đào thải phân ra ngoài, khiến việc đi đại tiện gặp khó khăn, gây ra táo bón.
d. Dùng một số loại thuốc
Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac), thuốc chứa codein và morphin, thuốc chống co giật… có thể gây táo bón.
a. Chế độ ăn uống
Nước có ga có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh táo bón hơn so với nước máy. Đặc biệt, nó cũng rất phù hợp để sử dụng cho những người mắc chứng khó tiêu, hoặc những người bị táo bón vô căn mãn tính.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lựa chọn các loại đồ uống có ga chứa nhiều đường, chẳng hạn như nước ngọt, vì những loại đồ uống này thường tiềm ẩn những nguy cơ gây hại tới sức khỏe, thậm chí có thể khiến cho tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi vào ruột chất xơ có thể hút nhiều nước, làm tăng khối lượng của phân và kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài. Từ đó, giúp đại tiện đều đặn hàng ngày, cơ thể thải chất độc thường xuyên và tránh việc ngấm chất độc từ phân vào máu.
Chất xơ tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển vi khuẩn có lợi.Nhờ có tác dụng điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột nên chất xơ còn có vai trò giúp tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột.
Chất xơ được chia thành 2 loại chính, bao gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.
Chất xơ hòa tan thường có nhiều trong lúa mạch, yến mạch, đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, các loại hạt, cà rốt, táo và một số loại trái cây khác. Chúng có khả năng hấp thụ nước và tạo thành một loại gel hỗn hợp, giúp cải thiện độ đặc của phân và làm mềm phân hơn. Bên cạnh đó, chất xơ hòa tan có thể làm tăng lượng lợi khuẩn trong đường ruột, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm, thậm chí là cải thiện cảm xúc.
Trong khi đó, các chất xơ không hòa tan được tìm thấy nhiều trong cám lúa mì, hạt, một số loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh (đặc biệt có nhiều trong hạt, vỏ và thân, cuống). Đây là loại chất xơ mà mọi người vẫn thường nghĩ là “thức ăn thô”, loại chất xơ này sẽ không tan trong nước.
Chất xơ không hòa tan sẽ không bị vi khuẩn đường ruột phá vỡ và sẽ không được hấp thu vào máu. Thay vào đó, chất xơ không hòa tan sẽ góp phần làm tăng khối lượng của sản phẩm dư thừa trong hệ tiêu hóa, giúp chúng ta đại tiện thường xuyên và ngăn ngừa được được chứng táo bón (cũng như các chứng bệnh đi kèm với táo bón, như trĩ).
Prebiotics cũng là 1 loại chất xơ có trong rau, trái cây và các loại đậu. Tuy nhiên, con người không thể tiêu hóa các chất xơ này, các vi khuẩn có lợi trong đường ruột sẽ ăn chất xơ này để hỗ trợ các chức năng của hệ miễn dịch, tiêu hoá.
Probiotics là một loại lợi khuẩn sống trong đường ruột, có khả năng ngăn ngừa được chứng táo bón mãn tính. Chúng thường bao gồm Lactobacillus và Bifidobacteria. Chúng ta có thể bổ sung những lợi khuẩn này thông qua các thực phẩm chứa nhiều Probiotic như dưa cải bắp, sữa chua hoặc kim chi.
Đối với một số người bệnh bị táo bón mãn tính có thể bị mất đi sự cân bằng giữa các vi khuẩn sống trong đường ruột. Do đó, việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chứa Probiotic sẽ góp phần cải thiện được sự mất cân bằng này, đồng thời ngăn ngừa tình trạng táo bón xảy ra.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, khi sử dụng men vi sinh trong vòng 2 tuần có thể giúp chúng ta điều trị bệnh táo bón, tăng độ đặc và tần suất phân. Ngoài ra, khả năng điều trị táo bón của chúng còn bắt nguồn từ việc tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, giúp cải thiện nhu động ruột và dễ dàng đi tiêu hơn.
Những người không dung nạp sữa, bao gồm người lớn không dung nạp lactose và trẻ em không dung nạp protein sữa bò, nên thận trọng sử dụng chúng, vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ruột và gây táo bón.
Đối với những trường hợp trên nên loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống, đồng thời tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi để cải thiện các triệu chứng táo bón.
Một số người cảm thấy sau khi uống cà phê, họ có cảm giác muốn đi vệ sinh hơn. Thực tế, điều này là do cà phê có chứa chất caffein làm kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, uống cà phê chứa caffein có thể kích thích các cơ tiêu hóa mạnh hơn 60% so với uống nước lọc và khoảng 23% so với việc uống cà phê không có caffein. Ngoài ra, trong cà phê cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan, giúp cải thiện sự cân bằng các vi khuẩn ở đường ruột và ngăn ngừa được tình trạng táo bón.
b. Vận động
Tập thể dục đúng cách mỗi ngày giúp làm tăng các cơn co thắt của thành ruột, khiến các chất được lưu chuyển dễ dàng qua đường ruột, tránh tình trạng thức ăn bị tích tụ lại ở ruột già gây táo bón hay bệnh trĩ.
Những người không có nhiều thời gian vận động tại môi trường làm việc có thể tăng cường vận đông bằng cách tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông...
Ngoài ra, nếu phải ngồi lâu khi làm việc, sau mỗi tiếng chúng ta có thể đứng lên đi lại hoặc tập các động tác cơ bản như vươn vai, chuyển tư thế, xoa nhẹ vùng bụng, xoa với khăn lạnh… sẽ có tác dụng tăng cường nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu tháo của ruột.
Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần.
c. Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress.
Để bảo vệ cơ thể, khi stress, các chức năng ưu tiên của cơ thể như thần kinh, tuần hoàn, nội tiết sẽ được kích hoạt. Tiêu hóa không phải là chức năng ưu tiên nên hoạt động của nó sẽ bị chậm lại và có thể gây ra tình trạng táo bón.
Tỷ lệ vàng của đường ruột là 85% lợi khuẩn – 15% hại khuẩn. Nếu đạt tỷ lệ này, đường ruột sẽ được coi là khỏe mạnh. Khi căng thẳng, lợi khuẩn trong cơ thể sụt giảm, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó gây chứng đau bụng, khó tiêu và táo bón.
Stress kéo dài sẽ làm chúng ta thay đổi thói quen như lười vận động, ít uống nước,... Tất cả góp phần làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và có thể gây bệnh táo bón.
d. Thói quen vệ sinh
Đi vệ sinh ngay khi cần, không nhịn đi đại tiện.
Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện.
Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày.
e. Sử dụng thảo dược nhuận tràng
Thảo dược nhuận tràng có chứa các hợp chất thực vật glycosid, có tác dụng kích thích các dây thần kinh trong ruột và làm tăng tốc độ đi tiêu.
Mặc dù thảo dược nhuận tràng được coi là an toàn đối với người lớn khi sử dụng trong thời gian ngắn, tuy nhiên chúng ta vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu sau vài ngày dùng thuốc mà không thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú hoặc những người mắc bệnh viêm ruột không nên sử dụng thảo dược nhuận tràng để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn mà nó gây ra.
Hiểu rõ về táo bón sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm, nhằm tránh tình trạng táo bón lâu ngày có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về đường tiêu hóa như trĩ, các bệnh về hậu môn trực tràng.
Trường hợp đã áp dụng nhiều cách chữa táo bón nhưng không mang lại hiệu quả thì người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị hiệu quả.