Đã sao chép liên kết
Thứ 3, 10/09/2024 - TP HCM 26° C TP. Hồ Chí Minh

Cố Đô Huế - Trải Nghiệm Du Lịch Từ A Đến Z

Từng là cố đô của nước ta, Huế được biết đến như là vùng đất thần kinh nơi vẫn còn lưu giữ dấu ấn vua chúa cũ. Huế chuyển mình để tiếp nhận những cái hay, cái mới của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, trầm tư, sâu lắng vốn có của mình.

Huế

1. Nên du lịch Huế vào mùa nào?

Ta về thăm Huế mộng mơ
Câu thơ ai thả lững lờ trên sông
Nghe mênh mang, thổn thức lòng
Con thuyền buông lái giữa dòng Hương Giang.
Trích Sông hương chiều nhạt nắng - Tác giả Vũ Nguyên Đạt.

Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế, từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều Tây Sơn (1788–1801) và triều Nguyễn (1802–1945). Hiện nay, thành phố Huế là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thành phố Huế nằm cách thủ đô Hà Nội 668 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1039 và cách Đà Nẵng 95 km.

Huế có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, với nhiệt độ khá cao từ 35 đến 40 °C. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau, với một mùa bão lũ từ tháng 10 trở đi. Nhiệt độ trung bình mùa mưa là 20 °C, đôi khi thấp nhất là 9 °C. Mùa xuân kéo dài từ cuối tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lúc này rất đẹp, trời có nắng nhẹ, đôi khi se se lạnh. Tháng 8, thành phố vào thu, mùa đẹp nhất trong năm.

Mùa du lịch Huế từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, đẹp nhất là 3 - 4 tháng đầu năm, tiết trời mát mẻ, dễ chịu.

Huế

2. Di chuyển đến Huế

Huế có sân bay Phú Bài (Cảng hàng không quốc tế Phú Bài), hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đều khai thác các chặng đến sân bay Phú Bài. Giá vé tùy thời điểm.

Từ sân bay Phú Bài về trung tâm thành phố khoảng 16km, tầm 30 phút di chuyển bằng ô tô. Bạn có thể chọn đi xe buýt Hải Vân với giá 70.000 – 90.000 đồng/người (xe 16 chỗ, chở đến tận nơi trong địa bàn thành phố, mỗi chuyến bay đều có xe chờ ở sảnh nhà ga) hoặc taxi giá 250.000 - 300.000 đồng/chuyến (Thành Công, Xanh SM, Grab…).

Ngoài máy bay, bạn có thể đi xe khách, ô tô tự lái, tàu lửa hoặc thậm chí là xe máy từ các tỉnh đến Huế. Những phương tiện này sẽ mất thời gian hơn máy bay nhưng bạn sẽ linh hoạt hơn trong việc chọn điểm đến ngay tại trung tâm thành phố, không cần mất thời gian di chuyển từ sân bay Phú Bài về thành phố.

Di chuyển trong thành phố, bạn có thể thuê xe máy 80.000 - 150.000 đồng/ngày tại địa điểm lưu trú hoặc đặt taxi, ô tô, Grab để tới những điểm xa hơn. Đường phố nơi này rộng rãi rất dễ đi, chỉ cần bật Google Map là có thể dễ dàng tới nơi bạn muốn.

Phương tiện khám phá Huế thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ là xích lô. Các chú, các bác đạp xích lô sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách tới các địa điểm nổi tiếng trong thành phố như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba... Đến mỗi địa điểm, xích lô sẽ dừng lại để khách tự do tham quan. Tour thường kéo dài một giờ, giá từ 50.000 - 120.000 đồng tùy vào địa điểm và thời gian di chuyển (một điểm thú vị nữa là bạn có thể trả giá trước khi lên xe).

Huế

3. Địa điểm lưu trú

Khách sạn ở Huế rất đa dạng với nhiều mức giá tùy theo lựa chọn của du khách. Bạn có thể chọn đặt phòng ở trung tâm để dễ đi lại cũng như tham quan các địa điểm du lịch nội đô và điểm ăn uống. Các homestay, hostel, khách sạn nằm ngay các trục đường sầm uất, nhộn nhịp như: Nguyễn Huệ, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Hùng Vương, Lê Lợi, Võ Thị Sáu… với các đề xuất như: như a-mâze house, Sunshine hostel, Tò Vò hostel, khách sạn Silk Path Grand Hue, Indochine Palace, khách sạn Hoàng Cung (Imperial), Azerai La Residence Huế, Vinpearl,… Du khách có thể tham khảo thêm khách sạn, vị trí, giá thành qua các kênh đặt phòng trực tuyến như Booking, Agoda, Traveloka, Vntrip.

Rời xa trung tâm thành phố, Huế cũng có nhiều resort/khu nghỉ dưỡng cao cấp giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên yên tĩnh, biển xanh cát trắng sóng đập rì rào: Hue Ecolodge, Kawara My An Onsen Resort, Banyan Tree Lăng Cô, Laguna Lăng Cô, Lapochine Beach Resort, Pilgrimage Village Resort & Spa…

4. Ăn gì - Ở đâu?

Ẩm thực Huế chịu ảnh hưởng của những luồng văn hoá đến từ những cộng đồng dân cư khác nhau (nhà Lý, nhà Lê, chúa Nguyễn…) với sự cầu kỳ trong chế biến và hấp dẫn trong hương vị. Được biết đến như kinh đô của ẩm thực, đến với Huế, du khách có thể thoải mái thưởng thức nhiều món ăn thức uống làm say đắm lòng người.

  1. Bún bò cơm nguội Cảnh Vân – 01 Trịnh Công Sơn, Huế (quán nằm phía trong)
  2. Cơm/Bún/Mỳ hến - gánh cơm hến vỉa hè đầu đường Nguyễn Công Trứ (buổi sáng)
  3. Bánh canh cua O Bướm – 01 Trịnh Công Sơn (buổi tối)
  4. Bún mắm nêm O Bê – 01 Phan Đăng Lưu (buổi chiều)
  5. Bún nghệ O Xê - bên hông chợ An Cựu (Ngã Hùng Vương)
  6. Bánh canh Nam Phổ Thúy - 16 Phạm Hồng Thái (buổi chiều)
  7. Bánh canh Hàn Thuyên - đường Hàn Thuyên (buổi tối)
  8. Bánh canh cá lóc Mùi - 111A Trường Chinh (buổi tối)
  9. Bánh canh cua rời – đường Phạm Hồng Thái (chiều + tối)
  10. Bánh canh bột lộn O Mân - 66 Ngô Đức Kế (sáng + chiều)
  11. Bánh canh bò trứng xổ - hẻm 85 An Dương Vương (buổi sáng)
  12. Bèo nậm lọc Sương - 4 Đoàn Hữu Trưng (trước mặt nhà thờ Phủ Cam, đồng giá 10.000 VNĐ, bán buổi chiều)
  13. Cháo lòng Lịch Đợi - 84 Lịch Đợi (buổi sáng)
  14. Bánh lọc dì Huệ - 91 Đặng Huy Trứ (trưa + chiều)
  15. Xôi bánh dày ở vỉa hè đối diện trường mầm non Phú Cát - 150 Chi Lăng (buổi sáng)
  16. Bánh lọc mụ Cai - Số 9 hẻm 475 Chi Lăng (buổi chiều)
  17. Bánh ép chị Huệ - 116 Lê Ngô Cát (buổi chiều)
  18. Bánh cuốn tôm chua - dưới chân cầu Kho Rèn (buổi chiều)
  19. Gánh đậu hũ 5.000 VNĐ – dưới chân chùa Thiên Mụ (buổi chiều)
  20. Gân kiệu bóp - 44 Trần Phú (buổi chiều)
  21. Ốc Triều Thủy - Triều Thuỷ, Phú An, Phú Vang. (nếu đi về ngã biển Thuận An thì ngang cầu Diên Trường rẽ vào đầm Chuồn rồi đi thẳng tầm 1km sẽ thấy quán)
  22. Bánh mì Trường Tiền O Tho – 14 Trần Cao Vân (buổi tối)
  23. Bánh mì ép O Du - vỉa hè tại 59 Trần Quốc Toản (buổi chiều)
  24. Ốc gạo trước mặt chợ Đông Ba (bán buổi trưa)
  25. Trứng lộn um bầu – cầu Kho Rèn, Lý Thường Kiệt
  26. Bánh tiêu siêu ngon - 08 Lâm Mộng Quang (buổi chiều)
  27. Chè đậu nành ông Lạc - 36 Thanh Tịnh (buổi chiều)
  28. Cà phê muối – 10 Nguyễn Lương Bằng
  29. Bánh khoái cá kình – chợ Đầm Chuồn
  30. Bún giấm nuốc - trên cầu Gia Hội - đường Chi Lăng (Buổi chiều)
  31. Trà ga đêm – ga tàu Huế (buổi tối)
  32. Chè bột lọc heo quay – đối diện rạp chiếu phim đường Trần Hưng Đạo (buổi tối)
  33. Cơm/Bún/Mỳ hến - 64/7 Ưng Bình
  34. Tan. cà phê – 14 Phạm Hồng Thái/25 Nguyễn Thị Minh Khai/86 Đinh Tiên Hoàng
  35. Đề-Pô cà phê – lầu 2 chợ Đông Ba, 02 Trần Hưng Đạo
  36. Trốn cà phê – 22A Điện Biên Phủ
  37. Cơm niêu Chạn - 01 Nguyễn Thái Học
  38. Khu ẩm thực chợ Đông Ba
  39. Khu ẩm thực chợ Tây Lộc
  40. Khu ăn uống phố Tây Huế (trục đường phố đi bộ Chu Văn An – Võ Thị Sáu – Phạm Ngũ Lão) sầm uất với nhiều quán pub, nhà hàng (buổi chiều + buổi tối)
  41. Phố đi bộ đường Hai Bà Trưng với nhiều hàng quán bán 2 bên đường (mở 2 ngày cuối tuần)
Huế

5. Địa điểm tham quan

∘ Đại Nội

Nằm ngay trung tâm thành phố, bên dòng sông Hương thơ mộng. Là một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Toàn cảnh Đại Nội Huế còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm để lại.

Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là nơi vua thiết triều và làm việc, bao gồm Cổng Ngọ Môn và Điện Thái Hòa. Tử Cấm Thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ...

Đến với Đại Nội Huế, du khách sẽ được trải nghiệm đa dạng các dịch vụ như: không gian trình diễn nghề truyền thống Huế (tôn tạo, phục dựng và giới thiệu các ngành nghề thủ công truyền thống từng có dưới thời nhà Nguyễn, các nghề truyền thống Huế, trong không gian phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế), trải nghiệm thực tế ảo VR (những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước).

Ở bên trong Đại Nội Huế có các dịch vụ giúp cho du khách thuận tiện hơn trong việc tham quan như: xe điện, audio guide (thuyết minh tự động), chụp ảnh cổ trang, thuyết minh bởi hướng dẫn viên du lịch.

  • Thời gian mở cửa: 7h – 17h
  • Giá vé (miễn phí lễ, Tết): 200.000 VNĐ/người lớn, 40.000 VNĐ/trẻ em từ 7 – 12 tuổi, miễn phí trẻ em dưới 7 tuổi
  • Giá vé dịch vụ hướng dẫn thuyết minh: 200.000 VNĐ/vé/lượt
Huế

∘ Bảo tàng Hồ Chí Minh

Huế là quê hương thứ hai nuôi dưỡng và tài bồi cho lòng nhiệt thành cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước và tâm hồn nhân đạo vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắp cánh cho ý chí Cách mạng và thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc.

Nằm ở số 7 đường Lê Lợi, nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Bên cạnh những nội dung mang tính đặc thù về thời niên thiếu còn có phần trưng bày tổng hợp các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, hiện vật phong phú đa dạng.

Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần (trừ Chủ Nhật), sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 16h30.

∘ Chợ Đông Ba

“Ơi khách đường xa, khách đường xa
Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

Nằm bên bờ Bắc sông Hương, trên đường Trần Hưng Đạo, là ngôi chợ lớn nhất trong các chợ ở Huế, có truyền thống lâu đời, lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, được xem là một trong những biểu tượng của vùng đất cố đô Huế.

Ngôi chợ này vốn có tên là chợ Đông Hoa, chỉ vì tránh phạm húy mà người Huế phải gọi trệch ra là Đông Ba vì tên Hoa là tên của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng.

Bước vào chợ, bạn sẽ thấy màu sắc của một khu chợ Huế. Du khách tới đây thỏa sức tìm ăn món ngon là đặc sản của vùng hoặc dạo quanh các hàng quần áo, vải, mũ nón, các loại mắm, bánh trái chỉ có ở Huế để mua đem về.

Chợ bán từ sáng sớm tới chiều muộn nên du khách có thể ghé lúc nào tùy thích. Du khách có thể mặc cả khi hỏi mua các vật phẩm lưu niệm hay quần áo, giày dép.

Huế

∘ Trường Quốc Học

Nằm tại số 12 đường Lê Lợi, đây là ngôi trường trung học phổ thông lâu đời nhất ở Huế, thành lập năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái. Ngôi trường là một trong những di tích nằm trong hệ thống di tích và điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế.

Trường nổi bật với màu sơn đỏ rực rỡ xen lẫn trắng và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên du khách có thể thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.

Trong sân trường có đặt bức tượng đài bằng đồng Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh). Du khách gửi xe rồi vào tham quan trường (phí 5.000 VNĐ), nếu đi vào dịp nghỉ hè thì có thể thoải mái lựa chọn thời gian nhưng đúng lúc học sinh đi học thì sẽ hạn chế hơn (nên đi vào buổi trưa sau 11h30 hoặc sau 17h).

Huế

∘ Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây.

Du khách đến chùa Thiên Mụ có thể tham quan tòa tháp 7 tầng Phước Duyên, điện Đại Hùng, vườn cây, rừng thông và khu trưng bày di vật của hòa thượng Thích Quảng Đức (người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm).

Hiện nay, ngôi chùa đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là quả chuông Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710, nặng hơn 2 tấn và tấm bia đá dựng năm 1715 khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu nói về việc tôn tạo chùa.

Huế

∘ Cung An Định

Tọa lạc tại số 97 đường Phan Đình Phùng, là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Bảo Đại thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị.

Cung An Định mang dáng dấp như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ nhưng lại mang họa tiết hoa văn truyền thống cung đình Huế. Cung An Định được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đại diện trường phái kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỉ 20.

Trong các dịp Festival Huế 2004, 2006, 2008, cung An Định luôn là một trong những địa điểm quan trọng diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày cổ vật... thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan đến Huế, góp phần không nhỏ làm nên thành công của các kỳ lễ hội Festival Huế.

  • Thời gian mở cửa: 7h – 17h
  • Giá vé: 50.000 VNĐ/người lớn, dưới 12 tuổi miễn phí
Huế

∘ Cầu Trường Tiền

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa”

Cầu Trường Tiền hay cầu Tràng Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, nằm giữa lòng thành phố Huế. Đây là chứng nhân lịch sử, là một trong những đặc trưng của cố đô.

Cây cầu được thiết kế theo kiến trúc Gothic kiểu vòm nhọn, gồm 6 vày và 12 nhịp. Ban ngày cây cầu duyên dáng soi bóng dưới dòng sông Hương, đêm về nó lại được phủ lên mình những gam màu xanh đỏ tím vàng liên tục thay đổi.

Bên dưới cầu là con đường đi bộ cùng với cầu đi bộ bằng Gỗ Lim, thích hợp đi dạo vào ban đêm vì gió ở đây rất mát, ngắm nhìn dòng Hương trôi êm đềm, nhìn những con thuyền thả hoa đăng trên sông, đâu đó trên cầu các nhóm bạn trẻ biểu diễn nghệ thuật, nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng, thoải mái.

Du khách có thể đăng ký nghe ca Huế trên sông Hương, vừa thưởng thức biểu diễn ca Huế kết hợp thả hoa đăng trên sông. Mỗi tối có 2 suất (suất 1: 19h00 và suất 2: 20h00), mỗi suất kéo dài 50 phút. Địa chỉ mua vé: Bến thuyền du lịch Toà Khâm - 49 Lê Lợi - TP Huế.

Huế

∘ Cầu Ngói Thanh Toàn

Cách thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía Đông, qua những con đường làng quanh co trên những cánh đồng quê bát ngát, hương lúa thơm ngào ngạt là đến cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng thuộc làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Cầu ngói là chiếc cầu bằng gỗ, có chiều dài 17m, chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để tựa lưng. Trên cầu có mái che, lớp ngói ống tráng men chia làm 7 gian trong đó gian giữa được thiết kế rộng nhất.

Vào mỗi dịp Festival Nghề Truyền Thống, nơi đây được chọn làm nơi tổ chức Lễ hội Chợ quê phục vụ du khách trong và ngoài nước. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đậm chất làng quê, tham gia các trò chơi dân gian tái hiện đời sống văn hóa tinh thần và hoạt động sản xuất của ông cha như: đua ghe, bài chòi, bịt mắt đập om, hò giã gạo, đêm thơ Ai về cầu ngói, các hoạt động trình diễn nông ngư cụ như xe đạp nước, gàu, chẹp, lưới.

Cầu Ngói Thanh Toàn được công nhận là di tích cấp Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Huế

∘ Lăng

Các vua triều Nguyễn đều xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi còn sống vì quan điểm "sinh ký tử quy" (sống gửi thác về) của nhà Nho và triết lý sắc không vô thưởng của nhà Phật. Các khu lăng mộ xây sẵn có hai chức năng: là nơi khi thỉnh thoảng còn sống các vua lui tới để vui chơi và nơi chôn cất khi họ mất vậy nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với kiến trúc đặc sắc.

Tuy triều Nguyễn có 13 vua, nhưng vì nhiều lý do kinh tế - chính trị nên chỉ 7 lăng được xây dựng.

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được bắt đầu xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Lăng thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha Minh Mạng. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Lăng có khung cảnh thơ mộng và hữu tình, xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngát.

Huế

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) tọa lạc trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, nằm giữa một rừng thông bát ngát. Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà Vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng) toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925) vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm. Lăng Khải Định là công trình tốn công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn. Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa. Sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình. Lăng khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.

Huế

∘ Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên tại miền Trung, tọa lạc tại núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt.

Từ thành phố Huế chạy về hướng Nam khoảng 30 km, đến địa phận xứ Truồi, đi vào đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, một bức tranh thủy mặc sinh động hiện ra. Vượt qua lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước, độ chừng mươi chục phút, bằng những con xuồng nhỏ, bạn sẽ đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Để lên tam quan, bạn phải leo 172 bậc tam cấp. Kiến trúc thiền viện hài hoà giữa sơn thủy, với chính điện thờ Phật tổ ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực tổ đường thờ tổ sư Đạt ma của thiền phái Trúc Lâm.

Huế

∘ Rừng Rú Chá

Là một khu rừng ngập mặn nguyên sinh nằm tại làng Thuận Hòa, xã Hương Phong (cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km). Nơi đây được biết đến là khu rừng ngập mặn duy nhất còn tồn tại trên hệ đầm phá Tam Giang - hệ đầm phá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Theo người dân giải thích, từ “Rú” có nghĩa là rừng rú còn “Chá” là loại cây đặc trưng nhất tại đây, chiếm đến hơn 90% diện tích. Vào mùa thu, bông chá nở vàng rực khắp rừng.

Rừng ngập mặn Rú Chá hấp dẫn du khách bởi một vẻ đẹp ma mị, hoang sơ và đầy bí ẩn. Đi dạo trên những con đường bê tông uốn lượn xuyên qua khu rừng, được bao bọc xung quanh bởi những bộ rễ chá với hình thù lạ mắt.

Từ trung tâm thành phố, bạn chạy theo quốc lộ 49 sẽ thấy bảng chỉ dẫn rẽ trái theo hướng cầu Tam Giang, đi thêm khoảng 4 km. Khách tham quan rừng Rú Chá không mất phí.

Huế

∘ Đầm Chuồn

Đầm Chuồn là điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Nơi đây cung cấp dịch vụ lưu trú và ẩm thực, du khách có thể ở lại qua đêm.

Cách trung tâm thành phố Huế 6km, từ trung tâm có thề đi dọc đường Lê Lợi, qua khỏi Đập đá, Vỹ Dạ, theo Tỉnh lộ 10 về phía An Truyền là có thể đến được Đầm Chuồn. Hoặc cũng có thể chọn đường khác đi theo hướng Quốc lộ 49.

Là đầm nước lợ trong hệ thống đầm phá Tam Giang nổi tiếng với vẻ đẹp bình yên, sông nước bao la, cùng với những đặc sản hấp dẫn với giá thành hết sức bình dân. Thiên nhiên Đầm Chuồn tuyệt vời hơn vào mỗi sáng sớm và buổi chiều tà với những mảng màu đa sắc đỏ, vàng, tím những chiếc thuyền nhỏ lững lờ giữa sông nước bao la, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Du khách sau khi tham quan một vòng Đầm Chuồn có thể dừng lại nghỉ ngơi và thưởng thức những món đặc sản tại khu nhà nổi nằm ngay giữa đầm phá và ven đê Tây phía Đông.

Hiện nay trên Đầm Chuồn có 5 nhà hàng nổi: Đầm Chuồn An phú, Đầm Chuồn Hương Quán, Đầm Chuồn Hội Ngộ, Tam Giang Lagoon và Thủy triều Quán. Các quán đều có đò đưa đón khách.

Đồng thời, du khách có thể tự tay đánh bắt thủy sản trên Đầm Chuồn bằng ngư lưới cụ của những hộ dân nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm chèo thuyền miễn phí trên đầm phá Tam Giang rộng lớn, thơ mộng, trải nghiệm ngắm hoàng hôn cùng với những bức ảnh đẹp. Sản phẩm du lịch ở đây khá phong phú bao gồm những món ăn đặc sản truyền thống như: Bánh xèo cá kình, bánh khoái cá dìa, bánh tét và hải sản tươi sống tôm cá mực đậm chất đầm phá trên hệ thống Đầm Chuồn.

Sau khi tham quan, ăn uống tại khu du lịch sinh thái Đầm Chuồn, du khách lại qua đêm tại các hộ dân phục vụ dịch vụ Homestay tại thôn Định Cư: nhà ông Lê Hòa + nhà ông Nguyễn Tuyến (đều thuộc xóm 17), nhà ông Hồ Hải (xóm 15).

Du khách có thể kết hợp ghé tham quan di tích lịch sử đình làng An Truyền, chợ Làng Chuồn để biết hơn về cuộc sống chân thật của người dân địa phương.

Huế

∘ Ngư Mỹ Thạnh

Điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh thuộc thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

Cách thành phố Huế hơn 15 km, làng chài nhỏ với hơn 200 hộ dân sinh sống đã quen với cuộc sống sông nước, coi chiếc thuyền, con ghe là ngôi nhà, nơi sinh cơ lập nghiệp. Đến đây, du khách sẽ được thả mình thư giãn nơi làng quê bình yên, tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng ngư dân, thu hoạch cây trồng cùng những người nông dân hiền lành, chất phát và thưởng thức những món ăn đặc sản của đầm phá Tam Giang.

Các sản phẩm du lịch tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh gồm có: chợ nổi thủy sản, làng Bích họa, tham quan rừng ngập mặn bằng thuyền lênh đênh trên mặt nước và nhiều hoạt động khác như: chèo ghe tay, chèo thuyền sup, đạp trìa, bủa lưới, đan lưới, câu cá...

Huế

∘ Đồi Vọng Cảnh

Đồi Vọng Cảnh cao 43m, tọa lạc ở phía Tây Nam thành phố Huế. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của sông Hương.

Chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, nằm trên cung đường có nhiều điểm đến như làng hương Thủy Xuân, lăng vua Tự Đức, lăng Thiệu Trị...

Thời điểm thích hợp nhất để đến Vọng Cảnh là vào hoàng hôn, ngắm nhìn sông Hương đỏ lên dưới ánh mặt trời cùng những chiếc thuyền rồng nhẹ trôi, xa xa là núi đồi.

Huế

∘ Làng hương Thủy Xuân

Nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân là một ngôi làng đẹp với cây cối xanh tươi ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh và dòng sông Hương thơ mộng.

Hầu hết người dân trong làng đều làm nghề xe hương nên cứ vào những buổi sáng ban mai tinh khiết là cả làng như được ánh lên bởi những sắc vàng, sắc đỏ, sắc xanh của những bông hoa hương và mùi hương trầm thơm ngát tỏa khắp không gian.

Đến với làng hương, ngoài việc chụp những bức hình nghệ thuật, du khách có thể trò chuyện thậm chí tận tay se những cây hương dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân ở đây.

Huế

∘ Bãi biển Thuận An

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An cách thành phố Huế khoảng 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương xuôi dòng hướng phá Tam Giang rồi đổ ra biển. Mùa hè đến đây, bạn có thể hóng gió, tắm biển hay thưởng thức các món ăn đặc sản vùng ở các quán ăn xung quanh.

Huế

∘ Khu du lịch sinh thái Bạch Mã Village – xứ sở thần tiên

Cách thành phố Huế khoảng 45km về phía Nam, di chuyển dọc quốc lộ 1A theo hướng Huế - Đà Nẵng đến thị trấn Phú Lộc bạn sẽ thấy bảng chỉ vào Cổng vườn Quốc gia Bạch Mã. Bạch Mã Village nằm giữa thung lũng, bao quanh là dãy núi Bạch Mã hùng vĩ nên mang vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành và yên tĩnh.

Đến với Bạch Mã Village, du khách sẽ được thỏa sức khám phá “Xứ sở thần tiên” ngay tại Huế với các khu vực nhà hàng, khu cắm trại, khu tắm thác (tắm suối thiên nhiên, thác trượt, nhà nấm, hồ tắm khô,…).

Khu du lịch có bảo vệ và cứu hộ quan sát liên tục.

Ngoài ra, ở đây có hệ thống wifi tốc độ cao đáp ứng hơn 1.000 người truy cập.

Giá vé tùy từng hạng mục, du khách không được phép mang thức ăn hay nước uống vào.

Huế

∘ Đầm Lập An

Đầm Lập An (hay còn được gọi là Đầm An Cư, Vụng An Cư hoặc Đầm Lăng Cô) là một đầm nước lợ nằm cạnh đèo Phú Gia, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng hơn 50km.

Đầm có hai nguồn nước chính là sông suối và vịnh biển, được bao bọc xung quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vỹ, biển Lăng Cô nước trong xanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng.

Khung cảnh đầm Lập An nên thơ, hữu tình, mặt hồ bình yên, phẳng lặng tựa như một chiếc gương khổng lồ soi bóng dãy núi Bạch Mã hùng vỹ cùng bầu trời trong xanh. Mỗi khi thủy triều rút, giữa hồ lại hiện ra một con đường màu trắng tuyệt đẹp, trở thành thiên đường sống ảo lý tưởng dành cho các bạn trẻ.

Huế

∘ Hải Vân Quan

Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, ngay giữa đường phân chia địa phận hành chính của Huế và Đà Nẵng. Nơi đây cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.

Hải Vân Quan là vị trí hiểm yếu, có tầm chiến lược hết sức quan trọng từ thời các chúa Nguyễn. Được coi là cửa ngõ phía Nam của vùng đất kinh đô Huế.

Di tích Hải vân quan đã được công nhận là Di tích Quốc gia, đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển.

Huế