Đã sao chép liên kết
Thứ 5, 21/11/2024 - TP HCM 34° C TP. Hồ Chí Minh

Trẻ Sơ Sinh Bị Ọc Sữa, Nôn Trớ – Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý

Tình trạng ọc sữa hoặc nôn trớ sau khi bú đôi khi là điều xảy ra khá bình thường ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nó có thể liên quan tới một số bệnh lý. Vậy nguyên nhân là gì và khi nào thì ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Trẻ Sơ Sinh Bị Ọc Sữa, Nôn Trớ – Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý

1. Khái niệm

Trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ, nằm ngang. Khi vừa mới sinh ra thì hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa được phát triển đầy đủ, chưa thể giữ các chất trong dạ dày ở đúng vị trí một cách hiệu quả, cơ vòng tâm vị bịt dạ dày mỏng không co bóp mạnh còn cơ vòng môn vị từ dạ dày xuống tá tràng dày và co bóp mạnh, bít sữa lại không cho xuống tá tràng nên trẻ rất hay bị trào ngược hoặc nôn trớ sau khi bú sữa. Thường xảy ra khi trẻ bú quá nhiều hay nuốt phải không khí khi bú.

Tần suất và lượng sữa khi trẻ ọc ra ngoài sẽ khác nhau ở mỗi trẻ và lượng sữa trẻ bú vào. Có khoảng một nửa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp phải hiện tượng này trong 3 tháng đầu đời.

Lưu ý, ọc sữa ở trẻ sơ sinh khác với nôn ói. Việc phân biệt đúng giữa nôn ói và ọc sữa giúp ba mẹ phát hiện sớm tình trạng sức khỏe của trẻ, từ đó chăm sóc trẻ an toàn và khỏe mạnh hơn.

  • Ọc sữa: một lượng sữa nhỏ trong dạ dày dễ dàng trào ra khỏi miệng, thường đi kèm với biểu hiện ợ hơi ở trẻ và không liên quan đến sự co thắt của các cơ bên trong dạ dày.
  • Nôn ói: cơ bụng co thắt khiến trẻ khó chịu, chất nôn được nôn mạnh ra ngoài qua miệng thành vòi.

2. Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau:

Trẻ bú quá no

Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên trẻ chỉ cần một lượng sữa nhỏ trong mỗi lần bú. Nếu trẻ bú quá no, sữa có thể tự trào ra ngoài một cách tự nhiên.

Trẻ bú quá nhanh

Khi trẻ quá đói, trẻ bú nhanh, trẻ sẽ nuốt phải nhiều hơi hơn dẫn đến việc trẻ dễ bị nấc cụt và ọc sữa hơn.

Trẻ nuốt nhiều hơi khi bú

Việc nuốt phải không khí khi bú sữa là một vấn đề khó tránh khỏi ở trẻ sơ sinh. Lượng khí trẻ nuốt vào tích tụ quá nhiều trong dạ dày khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ợ hơi và có thể nôn trớ, ọc sữa. Đây là một phản xạ bình thường của cơ thể, diễn ra ở trẻ bú không đúng khớp, trẻ bú bình với núm vú không phù hợp hoặc bình sữa không đầy dẫn đến trẻ bú phải hơi.

Trẻ khóc quá nhiều

Khi cơn khóc kéo dài có thể kích hoạt phản xạ nôn và khiến bé nôn trớ. Mặc dù điều đó gây rắc rối, nhưng việc khóc thét lên trong lúc khóc sẽ không gây hại cho em bé. Nếu trẻ có vẻ khỏe mạnh, ba mẹ không cần quá lo lắng.

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Trẻ sơ sinh do trào ngược dạ dày bị ọc sữa còn gây nên các triệu chứng đi kèm như nôn trớ, cáu bẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, sữa bị ọc có thể đi vào đường hô hấp, kích thích tăng tiết đờm, trẻ thở khò khè thậm chí có thể dẫn đến viêm phổi hít. Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn no và có thể xảy ra khi trẻ khóc, ho hay căng thẳng.

Thay đổi môi trường đột ngột

Khi trẻ bị thay đổi môi trường đột ngột chẳng hạn như đang ở phòng kín mà ba mẹ mở cửa thoáng hoặc bật quạt, không khí lạnh đi vào đường hô hấp của trẻ sẽ làm co thắt cơ hoành, phế quản, phổi làm ọc sữa ra ngoài.

Trẻ không dung nạp Lactose

Là tình trạng cơ thể trẻ thiếu hụt men tiêu hóa Lactose gây nên các rối loạn trong hệ tiêu hóa. Bên cạnh các triệu chứng như sôi bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân chua, biếng ăn,…trẻ có thể bị ọc sữa.

Trẻ bị thiếu vitamin D và canxi

Vitamin D vô cùng quan trọng với trẻ: giúp trẻ hấp thụ canxi tốt hơn, tăng hấp thụ canxi ở đường ruột trẻ. Canxi tham gia vào quá trình khử hoạt của các màng tế bào trong đó có các tế bào cơ trơn phế quản, khí quản. Tuy nhiên, vitamin D và canxi trong sữa mẹ chiếm hàm lượng rất ít, việc thiếu vitamin D và canxi làm gây ra các cơn co làm đẩy sữa ra bên ngoài, gây nên tình trạng trẻ bị nấc cụt hay ọc sữa, trớ sữa.

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Theo một nghiên cứu ở Anh, có đến 2% trẻ sơ sinh dị ứng đạm sữa bò. Bên cạnh đó, có 0.5% trẻ sơ sinh bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò. Các trường hợp dị ứng sữa thường diễn ra ở mức độ nhẹ và trung bình. Ọc sữa có thể là một trong những triệu chứng khi trẻ bị dị ứng.

Trẻ bị táo bón

Trẻ sơ sinh thường đi tiêu khá nhiều lần trong ngày, ít nhất 1 lần/ngày. Nhưng nếu trẻ không đi tiêu hoặc tần suất đi tiêu trong ngày giảm xuống đột ngột, trẻ có thể đang bị táo bón hay gặp các vấn đề rối loạn hệ tiêu hóa. Điều này cũng có thể khiến trẻ bị ọc sữa, tuy nhiên không phổ biến.

Một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều và liên tục do các bệnh lý nguy hiểm như:

  • Hẹp phì đại môn vị: trẻ không ọc sữa ngay sau khi bú và không ọc ra dịch vàng hay xanh. Sau khi ọc sữa, trẻ đòi cho bú ngay.
  • Bệnh lồng ruột: thường gặp ở trẻ lớn hơn, trẻ đột ngột nôn ói, khóc thét dữ dội theo cơn, da xanh tái, có thể kèm biểu hiện tiêu chảy ra máu.
  • Teo, tắc ruột: ọc sữa kèm dịch vàng, xanh, chậm tiêu phân su…
  • Xoắn ruột: ọc sữa có khi kèm dịch vàng, xanh, tiêu nhầy máu…

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên trẻ rất dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp gây ra bởi các tác động từ môi trường hoặc do hít phải nước ối trong bào thai. Từ đó, cơ thể tăng tiết dịch tại niêm mạc mũi họng, đờm bị ứ đọng trong đường hô hấp khiến trẻ thở khò khè, ngạt mũi. Lúc này, trẻ có xu hướng thở bằng miệng khiến niêm mạc họng bị khô, kích thích phản xạ nôn, khiến trẻ bị ọc sữa nhiều hơn.

3. Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ, ọc sữa

  • Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ: việc tăng số lần ăn sẽ đảm bảo bé vẫn nhận đủ lượng sữa theo nhu cầu mà dạ dày của bé không cần phải chứa quá nhiều ở mỗi cữ bú. Bé sẽ tránh được tình trạng bú quá no trong mỗi lần ăn.
  • Vỗ ợ hơi cho trẻ trong và sau khi bú: trong quá trình bú, nếu thấy trẻ ọ ẹ khó chịu, nhả đầu ti ra rồi khóc, có thể trẻ đang bị khó chịu vì nuốt phải nhiều hơi. Lúc này, mẹ nên dừng lại khoảng 30 giây để cho trẻ cựa quậy hay vặn người giúp cho hơi được đẩy ra ngoài. Sau đó, mẹ tiếp tục cho con bú. Sau khi trẻ bú xong, mẹ tiếp tục vỗ ợ hơi cho trẻ để giúp cho khí được đẩy ra ngoài. Thời gian vỗ ợ hơi kéo dài từ 15 – 20 phút, thay đổi tư thế trong quá trình vỗ ợ hơi (từ vị trí vai ba mẹ đặt trẻ nằm xuống thật chậm rồi lại đưa lên vai vỗ ợ hơi tiếp).
  • Kiểm tra kích cỡ bình bú và núm vú: việc này sẽ tránh bé nuốt không khí vào bụng khi bú. Nếu núm vú có lỗ lớn thì sữa có thể chảy quá nhanh, bé sẽ bị sặc sữa.
  • Nên chú ý cho bé bú ở tư thế thẳng, sau khi bú không nên cho bé ngủ ngay.
  • Nới lỏng quần áo: quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ đúng cách: trẻ thường xuyên bị ọc sữa, bố mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giúp làm sạch đường thở, giảm kích thích từ môi trường.
  • Cho trẻ dùng men vi sinh: giúp hệ vi sinh cân bằng, hệ tiêu hóa được tốt hơn. Tuy nhiên, ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sơ sinh sử dụng.

Khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa, ba mẹ nên giữ bình tĩnh. Tuyệt đối không được bế trẻ lên mà cần nghiêng người trẻ sang bên trái, vỗ lưng bé một cách nhẹ nhàng và dùng khăn lau miệng cho trẻ

4. Khi nào nên đưa bé sơ sinh đến cơ sở y tế?

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là một hiện tượng sinh lý bình thường nhưng ở một số trường hợp hiếm gặp, có thể là dấu hiệu của các bệnh lý. Do vậy, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt:

  • Trẻ không tăng cân.
  • Trẻ từ chối bú sữa liên tục.
  • Trẻ có biểu hiện nôn mửa, nôn mạnh.
  • Trẻ ít đi vệ sinh hơn bình thường.
  • Trẻ mệt mỏi, uể oải, có thể bị sốt.
  • Trẻ gặp khó khăn khi thở sau khi ăn.
  • Chất nôn của trẻ có màu xanh lá cây, đỏ hoặc nâu.

5. Kích thước dạ dày ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Ngày thứ 1 – 2 sau khi sinh: dạ dày của trẻ chưa có sự giãn nở tốt và có kích thước rất nhỏ, vì vậy chỉ chứa được khoảng 5 – 7ml sữa/lần vào ngày đầu tiên. Lượng sự này tương đương với lượng sữa non quý giá của mẹ mới tiết ra.

Ngày thứ 3 – 6 sau khi sinh: kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh đã lớn hơn và có thể chứa được khoảng 30 – 60ml sữa/lần ăn.

Trẻ 1 tháng tuổi: kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh đã có thể chứa được từ 80 - 150ml/lần ăn.

Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi: dạ dày trẻ tương đương với một quả bưởi nhỏ và nhỏ hơn gấp 5 lần so với người trưởng thành. Lúc này, dạ dày trẻ đã có thể chứa được khoảng 200 – 250ml sữa (tương đương với 1 chén cơm).

Giá Vàng Hôm Nay
Cập Nhật: Cập nhật lúc 13:20:09 21/11/2024
Sản phẩm
Triệu đồng/lượng
Giá mua Giá bán
Vàng SJC 1L, 10L, 1KG 83.700 86.200
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ 83.700 85.600
Nữ trang 99,99% 83.600 85.200
Tỷ Giá Ngoại Tệ
Cập Nhật: 21/11/2024 13:23
Ngoại Tệ Giá mua Giá bán
Tiền mặt Chuyển khoản
EUR 26,121.19 26,385.04 27,553.41
USD 25,170.00 25,200.00 25,504.00
  ĐỜI SỐNG
  DU LỊCH