Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 27° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Viêm Màng Não Mô Cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ mũi, họng của người đã bị nhiễm vi khuẩn khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện.

Là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân.

Bệnh Viêm Màng Não Mô Cầu

1. Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (thường được gọi là meningococcus) gây ra. Chủng vi khuẩn này thường xuất hiện ở dạng hai tế bào cạnh nhau, có dạng như hai hạt cà phê, gram (-), nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân.

Bệnh viêm màng não mô cầu được chia thành 4 nhóm: A, B, C và D. Trong đó, viêm màng não mô cầu nhóm A là nhóm bệnh thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.

2. Đặc điểm của viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu được đặc trưng bởi tình trạng viêm màng xung quanh não hoặc tủy sống do sự tấn công của vi khuẩn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhất là khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, mùa đông - xuân.

Vi khuẩn N.meningitidis được bao bọc bởi một lớp vỏ có chứa độc tố gây bệnh với tốc độ sản xuất nội độc tố cao gấp 100 lần, thậm chí là 1.000 lần so với các loại vi khuẩn khác. Do đó, khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sản sinh ra một lượng độc tố đậm đặc, theo máu di chuyển đến tim, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và tạo áp lực lên mạch máu khắp cơ thể. Dần dần, các mạch máu này bắt đầu xuất hiện tình trạng xuất huyết, khiến phổi, thận và các cơ quan khác bị tổn thương.

Mặc dù vi khuẩn gây viêm não mô cầu chỉ có thể sống khoảng 30 phút ở môi trường bên ngoài có nhiệt độ 56 độ C và chỉ sống trong 10 phút nếu nhiệt độ tăng lên 60 độ. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại lâu hơn ở mức nhiệt độ thấp -20 độ C. Do đó, bệnh thường lây truyền trực tiếp từ người qua người và hiếm khi bệnh được lây truyền qua tiếp xúc với đồ vật.

Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ mũi, họng của người đã bị nhiễm vi khuẩn khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện.

Bệnh viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.

3. Triệu chứng viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do đó các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột
  • Đau mỏi cơ, mệt mỏi
  • Ho, đau họng
  • Cảm thấy ớn lạnh, rét run
  • Đau đầu dữ dội
  • Có thể lơ mơ hoặc hôn mê
  • Xuất hiện co giật
  • Buồn nôn, nôn
  • Cứng cổ
  • Bỏ ăn

Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể xuất hiện tử ban điển hình: xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại tử ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.

Các triệu chứng của viêm màng não mô cầu tương tự như triệu chứng của các bệnh viêm đường hô hấp khiến người bệnh dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh diễn biến nhanh chóng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

4. Chẩn đoán bệnh viêm màng não mô cầu

Bên cạnh các triệu chứng đặc trưng của viêm màng não mô cầu, bác sĩ có thể yêu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó, có biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời, bao gồm:

  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Xét nghiệm máu
  • Cấy máu
  • Xét nghiệm dịch não tủy
  • Nhuộm soi dịch hầu họng
  • 5. Biến chứng viêm màng não mô cầu

    Viêm màng não mô cầu nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Các biến chứng này được chia làm hai nhóm:

    • Các biến chứng sớm gồm:
      • Tăng áp lực nội sọ
      • Đông máu nội mạch rải rác
      • Xuất hiện co giật
      • Trụy tuần hoàn
      • Suy các cơ quan
    • Các biến chứng muộn gồm:
      • Điếc
      • Mù lòa
      • Suy giảm thần kinh kéo dài
      • Não bộ kém phát triển, giảm chỉ số IQ
      • Hoại tử nghiêm trọng dẫn đến cắt cụt chi

    6. Phòng ngừa nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu

    Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn và trẻ em, chúng ta cần:

    • Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
    • Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường, thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
    • Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
    • Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.

    Nếu có biểu hiện mắc bệnh viêm màng não mô cầu, cần đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, có khả năng năng trở thành bệnh dịch vì nó lây truyền qua đường hô hấp. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyên nên tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp B, C dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.