Đã sao chép liên kết
Thứ 7, 23/11/2024 - TP HCM 32° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Ho Gà - Nguyên Nhân Và Triệu Chứng

Bệnh ho gà là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra, có khả năng lây lan nhanh và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp và nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi. Tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, nặng, có thể gây ra biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí gây tử vong.

Bệnh Ho Gà

1. Bệnh ho gà là bệnh gì?

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Cơn ho gà rất đặc trưng, 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cơn ho thường đi kèm với nhiều đờm, dãi và gây nôn. Ở trẻ, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ho gà là một trong các bệnh rất hay lây và làm chết nhiều người nhất trong các loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Mỗi năm có khoảng 30 - 50 triệu bệnh nhân ho gà và 300 ngàn tử vong (đa số tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi). Hơn 90% căn bệnh xảy ra tại các nước chậm tiến.

Bệnh ho gà khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân thường có đáp ứng tốt với thuốc và có dấu hiệu cải thiện hoàn toàn chỉ sau 5 ngày. Nhưng nếu bệnh phát hiện chậm trễ, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, gây suy hô hấp với nguy cơ tử vong cao.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh ho gà

Vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây nên bệnh ho gà. Đây là một dạng trực khuẩn có hai đầu nhỏ, kích thước rất nhỏ, không di động, gram âm (-).

Vi khuẩn gây bệnh ho gà có sức đề kháng yếu, có thể tự chết trong khoảng 1 giờ khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hoặc thuốc sát khuẩn.

3. Phương thức lây truyền bệnh ho gà

Ho gà là một bệnh lý chỉ xuất hiện ở người, không xảy ra ở động vật.

Đường lây bệnh: chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh.

Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy cơ bùng phát thành dịch cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Đối tượng có nguy cơ bị mắc ho gà: mọi lứa tuổi, không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc và khu vực sống. Tuy nhiên, có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.

4. Biểu hiện của bệnh ho gà

Thời kỳ ủ bệnh: dao động trong khoảng từ 6 – 20 ngày (trung bình khoảng 9 – 10 ngày). Bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Thời kỳ khởi phát hay còn gọi là giai đoạn viêm long đường hô hấp: kéo dài khoảng 7 – 14 ngày. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, chán ăn, bơ phờ, khàn tiếng. Cơn ho sẽ trở nên nặng hơn ở cuối giai đoạn này.

Thời kỳ toàn phát: kéo dài khoảng 2 – 3 tuần, có trường hợp đặc biệt có thể kéo dài trên 10 tuần. Các triệu chứng của ho gà xuất hiện một cách rõ rệt và nặng hơn, gồm:

  • Ho: ho rũ rượi, ho thành từng cơn, trung bình 15 – 20 tiếng ho mỗi cơn, tiếng ho càng lúc càng yếu và giảm dần. Cơn ho liên tiếp khiến trẻ trở nên yếu dần, có thể gặp phải tình trạng ngưng thở do thiếu oxy, mặt đỏ, da tím tái, nổi tĩnh mạch cổ, chảy nước mắt, nước mũi. Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày. Sau đó giảm dần có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
  • Thở rít vào: tiếng rít giống tiếng gà xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ mỗi tiếng ho. Riêng trẻ dưới 6 tháng tuổi thì hiếm khi nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
  • Đờm: kết thúc mỗi cơn ho, bệnh nhân thường sẽ khạc đờm trắng, màu trong, dính và có chứa vi khuẩn gây bệnh.
  • Nôn mửa: đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh ho gà trong giai đoạn này. Có thể kèm theo các triệu chứng như: sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng.

Thời kỳ phục hồi: khi được hỗ trợ điều trị và chăm sóc đúng cách, thường bắt đầu từ tuần thứ 4 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ được cải thiện: cơn ho giảm dần, người bệnh hạ sốt nhưng có thể mất một khoảng thời gian khá lâu sau đó để hết hẳn. Một số trường hợp sau đó nhiều tháng ho có thể tái lại gây viêm phổi.

5. Biến chứng của bệnh ho gà

Đa số biến chứng của bệnh ho gà xuất hiện khi bệnh phát sinh bội nhiễm do chăm sóc và điều trị muộn, không đúng cách hoặc xảy ra ở trẻ nhỏ. Các biến chứng thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm:

  • Viêm phế quản, viêm phế quản phổi.
  • Suy hô hấp, hơn nữa suy hô hấp do ho gà có thể gây tổn thương hệ thần kinh và một số bệnh lý về não bộ nghiêm trọng như viêm não, xuất huyết não, phù não… Các tổn thương này có thể xuất hiện từ tuần đầu tiên khi trẻ xuất hiện cơn ho gà với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, da xám, môi tím, chân tay lạnh, xuất hiện co giật.
  • Ho kéo dài và ngừng thở là biến chứng hay gặp nhất, dễ gây tử vong, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
  • Ho nhiều có thể gây lồng ruột, thắt thoát vị, sa trực tràng, thoát vị rốn và trực tràng.
  • Trường hợp nặng có thể gây vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.

6. Cách phòng tránh bệnh ho gà

Người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh lây lan sang công đồng, đặc biệt lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số cách phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả được khuyến cáo thực hiện:

  • Tiêm phòng: tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất và hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh ho gà. Hơn nữa, khi mắc bệnh, bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ kiểm soát hơn.
  • Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: cần cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh ho gà cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để cộng tác với cán bộ y tế phát hiện sớm bệnh, biết cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc xin.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: khu vực sống, nhà ở, phòng học, nhà trẻ, khu vui chơi… cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng mặt trời. Các vật dụng trong nhà, nhất là đồ dùng cá nhân cần được vệ sinh bằng dung dịch vô khuẩn hàng ngày.

Bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân, trẻ cần được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn đúng cách, thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi, trẻ cần lấy giấy che miệng và mũi lại, sau đó vứt giấy vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ. Đồng thời, trẻ nên hạn chế đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.

Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, trẻ lớn hơn nên ăn đủ 4 nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể (chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất). Đặc biệt, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.
  • Thăm khám định kỳ giúp phát hiện bệnh, nguy cơ mắc bệnh sớm (nếu có).

Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng đặc biệt bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng của bệnh để được bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị tối ưu, kịp thời và hiệu quả.