Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 27° C TP. Hồ Chí Minh

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những "Sự Xinh Đẹp"

Quy Nhơn là một thành phố lớn, thành phố cảng biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ và là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Định, Việt Nam. Quy Nhơn hội tụ đa dạng tiềm năng du lịch với vị thế địa lý đắc địa: một bên là núi còn một bên là biển, cùng với hệ thống ẩm thực phong phú, là địa điểm đầy hứa hẹn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

1. Nên du lịch Quy Nhơn vào mùa nào?

Quy Nhơn một dải lụa vàng
Nhấp nhô biển cát với làn sóng xô
Sóng xô thuyền vỗ mạn bờ
Yêu em anh nhớ mộng vô Quy thành!

(Trích bài thơ Nhớ Quy thành)

Cách Hà Nội 1.065 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 650 km về phía Nam, cách thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) 165 km và cách thành phố Đà Nẵng 323 km. Quy Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi, rừng nguyên sinh, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Quy Nhơn dài 72 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn.

Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 3 - 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mùa khô sẽ là thời điểm thích hợp để có những trải nghiệm đáng nhớ ở Quy Nhơn cùng các hoạt động vui chơi, giải trí cả trên bờ lẫn dưới biển.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

2. Di chuyển đến Quy Nhơn

Hiện nay các hãng hàng không tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air đều có chuyến bay từ Hà Nội và TP. HCM đến sân bay Phù Cát thuộc Quy Nhơn, giá vé thay đổi tùy thời điểm.

Từ sân bay Phù Cát về trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km, tầm 40 - 45 phút di chuyển bằng ô tô. Bạn có thể chọn đi xe buýt với giá 50.000 đồng/người hoặc taxi giá 250.000 - 300.000 đồng/chuyến (đi ghép chuyến hoặc đi riêng).

Ngoài máy bay, bạn có thể đi xe khách, ô tô tự lái, tàu lửa hoặc thậm chí là xe máy từ các tỉnh đến Quy Nhơn. Những phương tiện này sẽ mất thời gian hơn máy bay nhưng bạn sẽ linh hoạt hơn trong việc chọn điểm đến ngay tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, không cần mất thời gian di chuyển từ sân bay Phù Cát về thành phố.

Di chuyển trong thành phố, bạn thuê xe máy 100.000 - 150.000 đồng/ngày hoặc thuê taxi, ôtô để tới những điểm xa hơn.

3. Địa điểm lưu trú

Hầu như các hoạt động văn hóa, ăn uống, vui chơi của thành phố tập trung sầm uất, nhộn nhịp ở các khu vực đường gần biển, vì vậy, bạn có thể tìm các khách sạn, homestay quanh khu vực này như khu đường Nguyễn Huệ, Xuân Diệu, Trần Phú, Trần Hưng Đạo…

Còn nếu bạn cần nơi yên tĩnh hơn thì có thể tham khảo các trục đường như Tây Sơn, An Dương Vương, Hàn Mặc Tử...

4. Ăn gì - Ở đâu?

Ai về Bình Định, Quy Nhơn
Nhớ dùng danh mục thực đơn từng vùng.
Chợ Mỹ Cang bánh xèo nổi tiếng
Bánh hỏi ngon cứ ghé Diêu Trì
Mỹ An loại mắm đen sì
Từ trái nhum gọi lạ kỳ mắm nhum.

Cua huỳnh đế ngọt từng thớ thịt.
Rượu Bàu Đá thỏa thích từng ly.

(Trích bài thơ Ẩm thực Bình Định)

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

Với vị trí địa lý đắc địa, Quy Nhơn được mệnh danh là vùng đất du lịch có nền ẩm thực đa dạng, phong phú, hấp dẫn và giá cả thì… khỏi phải bàn!

Nếu bạn muốn thưởng thức các món ăn địa phương thì Quy Nhơn sẽ có vô vàn những lựa chọn như: bánh canh chả cá, bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi cháo lòng, nem nướng, nem cuốn, bánh mì lagu, bánh canh, bánh khọt tôm mực, bún rạm...

Và về hải sản thì ốc, sò, nghêu, hàu, tôm hùm, ghẹ, cá bóp, cua huỳnh đế...cũng rất đa dạng và tươi ngon.

Chỉ cần dạo một vòng quanh thành phố, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều quán ăn ngon, giá cả phải chăng như:

  • Bún rạm Châu Trúc: số 43 Trường Chinh, thành phố Quy Nhơn
  • Bánh khọt, 19 Hàn Thuyên
  • Bánh xèo tôm nhảy Gia Vỹ 2: 19 Diên Hồng, Lê Hồng Phong
  • Quán cháo lòng Hồng Thanh: 22 Phan Bội Châu, Quy Nhơn
  • Chả ram tôm đất cô Hiền: số 218 Diên Hồng
  • Bánh canh O Huệ: số 30 Trường Chinh
  • Nem nướng chả Lợi: số 113, 249 Tăng Bạt Hổ
  • Bún sứa Ngọc Liên: 379AB Nguyễn Huệ
  • Bánh bèo bà Xê: số 50/22C Nguyễn Thái Học
  • Bánh mì lagu, 132 Ngô Mây
  • Cơm Mậu, 179A Phan Bội Châu
  • Bún cá bà Thu, 157 Nguyễn Huệ
  • Nem nướng cô Tuyết, Hải Thượng Lãn Ông
  • Quán cơm gà Quê Hương, đường Lê Hồng Phong
  • Cơm Bếp Nhà 1989, 159 Phan Bội Châu
  • Phố ẩm thực Ngô Văn Sở
  • Phố ốc Ngọc Hân Công Chúa
  • Quán Thảo Nguyên - hải sản Bãi Xép
  • Nhà tàu hải sản Hoa Hoa, ngay cảng Quy Nhơn
  • Hải sản Ông Minh: số 29 Diên Hồng, Quy Nhơn
  • Nhà hàng Vị Cua: số 34 Nguyễn Nhạc, Ngô Mây, Quy Nhơn

5. Địa điểm tham quan

∘ Ghềnh Ráng Tiên Sa

Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về hướng đông nam. Thắng cảnh Ghềnh Ráng trải dài dọc bờ biển, uốn lượn hàng cây số, nước biển trong xanh. Ghềnh Ráng Tiên Sa là cụm điểm du lịch gồm quần thể bãi đá Ghềnh Ráng, bãi Tiên Sa, bãi tắm Hoàng Hậu, khu mộ Hàn Mặc Tử, nhà thờ Ghềnh Ráng.

Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường dốc bậc thang sẽ là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng và gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai. Từ đỉnh Ghềnh Ráng du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm thành phố Quy Nhơn và bãi biển Vầng Trăng Khuyết. Khu du lịch này hiện mở cửa tham quan miễn phí.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Kỳ Co - Eo Gió

Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý cách trung tâm thành phố 25 km, hiện đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Quy Nhơn và được du khách ví như "Maldives của Việt Nam".

Do đặc điểm địa hình nằm ở chân núi Phương Mai, có một mặt giáp biển và ba mặt còn lại đều là núi nên hiện nay chỉ có hai cách để đến bãi Kỳ Co. Cách thứ nhất là đi cano hoặc thuyền thúng của người dân địa phương theo đường biển từ Eo Gió (trung tâm xã Nhơn Lý) và cách thứ hai là đi bằng đường bộ từ cầu Suối Cả theo sườn núi về hướng nam.

Với vẻ đẹp thiên nhiên như nước biển trong xanh, bãi cát màu vàng nhạt, đặc biệt là các tảng đá ngăn nước lại thành những hồ bơi tự nhiên vậy nên ngoài các hoạt động tắm, lặn du khách có thể thuê chòi thư giãn bên bờ biển, chơi moto nước, dù kéo, cắm lều trại hoặc nghỉ tại khách sạn ngay trong khu du lịch.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

Cách Kỳ Co không xa là Eo Gió, nơi có con đường đi bộ ôm theo sườn núi và view biển đẹp ngoạn mục. Vé tham quan Eo Gió 25.000 đồng/người, sau khi tham quan con đường bộ nếu dư thời gian bạn có thể ghé qua Tịnh xá Ngọc Hòa, Linh Phong Sơn Tự... Tour một ngày đi cano, lặn ngắm san hô, ăn trưa hải sản ở Kỳ Co - Eo Gió có giá từ 700.000 đồng/người.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Cù Lao Xanh

Cù lao Xanh còn gọi là đảo Vân Phi là một hòn đảo nằm về phía Đông Nam thành phố Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố 24km, thuộc xã Nhơn Châu. Đây là một hải đảo vẫn giữ được cho mình vẻ hoang sơ, được xem là một “viên ngọc thô” chưa bị khai phá nên sẽ là địa điểm du lịch Quy Nhơn lý tưởng cho những ai thích khám phá.

Bạn có thể tham quan hải đăng và giếng Suối Tiên, tắm biển, xem rùa đẻ trứng, tối đến ngủ lều hoặc homestay trên đảo hay theo thuyền đi câu mực đêm với ngư dân... Để tới Cù Lao Xanh bạn đón xe tới cảng Hàm Tử, chọn tour đi bằng cano ra đảo, hoặc tự túc đi bằng thuyền gỗ. Nếu đi cano khứ hồi giá không kèm tour là 350.000 đồng, giá tour một ngày ở Cù Lao Xanh là 700.000 đồng/người.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Làng chài Nhơn Hải - Hòn Khô

Từ trung tâm thành phố, đi qua cầu Thị Nại, tới bán đảo Phương Mai rẽ phải là hướng tới làng chài Nhơn Hải, nơi đây cách trung tâm khoảng 10km. Hòn Khô và làng chài Nhơn Hải là điểm đến hấp dẫn nhờ vào cảnh đẹp hoang sơ, phong cảnh hữu tình và con người thật thà, chất phác, mộc mạc. Từ làng chài bạn đón cano hoặc tàu ra Hòn Khô chỉ khoảng 10 phút.

Hòn Khô là điểm nên đi tour trong ngày hoặc một buổi. Trên Hòn Khô chưa có nhiều dịch vụ du lịch nhưng hiện có cây cầu gỗ xây ven đảo rất hút khách tới chụp hình. Tour Hòn Khô trong ngày có giá chỉ từ 220.000 đồng/người.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Khu dã ngoại Trung Lương

Trung Lương là một trong những khu du lịch – dã ngoại yêu thích của du khách khi đến với Bình Định. Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về phía Đông, nằm trên đường ĐT 639, thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Bên trong khu dã ngoại gồm nhiều khu vực như cắm trại, ngủ nhà lều, bãi tắm và chơi các trò dưới biển, nhà hàng, quán cà phê, cổng trời check-in...

Khu vực nhà hàng nằm tách biệt hẳn với chỗ cắm trại, nằm ở vị trí cao hơn để bạn có thể vừa ăn uống vừa ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời của biển cả.

Giờ mở cửa từ 8h - 20h hàng ngày. Vé vào cổng 40.000 đồng/người, lưu ý khi vào du khách không đem theo đồ ăn thức uống bên ngoài. Du khách có thể thuê những chiếc lều đầy màu sắc để cắm trại qua đêm với giá 300.000 đồng (2 người).

Từ chỗ cắm trại đi xuống bãi tắm, bạn sẽ được trải qua con đường lát đá mềm mại uốn quanh sườn núi, xung quanh là vô vàn những phiến đá chồng chéo nhau tạo nên nhiều hình thù độc đáo. Chính vì điều này mà có lẽ khu dã ngoại Trung Lương được mệnh danh là “Đảo Jeju” của Việt Nam.

Bãi biển Trung Lương toát lên vẻ hoang sơ, bình dị. Nước biển thì trong vắt, xanh màu ngọc bích. Nơi đây như một thung lũng nhỏ nằm giữa rừng núi, đá và nước.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Làng chài Nhơn Lý

Xã Nhơn Lý nằm ở bán đảo Phương Mai, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Nơi đây gắn liền với hình ảnh dãy núi trập trùng, bãi cát dài trắng mịn, bãi biển trong xanh, hoang sơ. Người dân trong xã (gồm 4 thôn: Lý Hưng, Lý Lương, Lý Chánh, Lý Hòa) chủ yếu sống bằng những nghề liên quan đến biển như đánh bắt, chế biển hải sản. Đây là một xã bán đảo vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của văn hóa Champa, lễ hội Cầu ngư được tổ chức hằng năm, nơi còn lưu giữ 6 sắc phong của các triều đại Vua. Hiện Nhơn Lý được biết đến rộng rãi hơn với những bức bích họa nhiều màu sắc. Những bức tranh bích họa ở làng chài cổ Nhơn Lý mang nhiều chủ đề từ hoa lá, cây cỏ, chim chóc cho đến những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của người dân làng biển như lưới cá, thuyền buồm, cá mập, cá heo, rùa biển.

Cách di chuyển: từ thành phố Quy Nhơn, bạn băng qua cầu Thị Nại, tới bán đảo Phương Mai rồi tiếp tục đi theo quốc lộ 19B để tới xã đảo Nhơn Lý. Thời gian du lịch lý tưởng: từ tháng giêng đến hết tháng 5.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Tháp Đôi Quy Nhơn

Tháp Đôi là khu tháp của quốc gia cổ Chăm Pa gồm có hai tháp đứng song song cạnh nhau, một tháp cao 20m, tháp còn lại cao 18m. Hiện nay, địa danh này nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm Quy Nhơn 3 km.

Tháp Đôi được xây dựng vào khoảng niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Quanh tường phía ngoài, các nóc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú theo tín ngưỡng của người Chăm. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, từ năm 1991 đến năm 1997, tháp được trùng tu, gần như nguyên vẹn. Ngày nay, Tháp Đôi là điểm tham quan du lịch của du khách khi đến với Quy Nhơn. Đến đây, bạn sẽ ít nhiều biết được văn hóa của người Chăm thời kỳ trước.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít (còn có tên gọi là tháp Bạc) là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Tây Bắc.

Tên gọi tháp Bánh Ít xuất phát từ hình dáng của tháp, giống như những chiếc bánh ít - món ăn truyền thống của người dân Bình Định. Tháp còn có tên khác là tháp Cầu Bà Di, do nằm gần cầu Bà Di là một cây cầu cổ có từ thời Pháp thuộc.

Tháp Bánh Ít là một cụm tháp gồm 4 ngôi tháp khác nhau, với tháp chính cao nhất là 22m. Đây là nơi thờ cúng các vị thần Hindu, như Shiva, Vishnu, Ganesha và tổ chức các nghi lễ tôn giáo của người Chăm.

Theo các nhà sử học, tháp Bánh Ít được xây dựng từ thế kỷ V bởi người Champa và sự nguyên vẹn của kiến trúc vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Chính bởi vì lí do đấy, tháp Bánh Ít được một số tạp chí nước ngoài vinh danh là một trong Top 1000 công trình kiến trúc cổ trên thế giới đáng được ghé thăm.

Giờ mở cửa tham quan: từ 7:00 đến 18:00 các ngày trong tuần.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp

∘ Khu du lịch sinh thái Hầm Hô

Khu du lịch Hầm Hô nằm ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc. Bạn cứ chạy dọc theo QL1 về phía Tây Bắc, đến đoạn vào QL19 thì rẽ trái, chạy thêm xíu là đến huyện Tây Sơn, sau đó di chuyển thêm 3km nữa là thấy cầu bắc qua sông Kut, từ đây bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến khu du lịch Hầm Hô.

Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần 3km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng… Những bụi sim, màu lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây.

Với chiều rộng trên dưới ba mươi mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương muôn hình vạn trạng. Vào mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh.

Khu du lịch sinh thái Hầm Hô có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho các du khách tham gia trải nghiệm như: đạp xe trên nước, bơi thuyền thể thao, tắm suối, câu cá, chèo thuyền trên sông Kut, BBQ, đốt lửa trại, chương trình biểu diễn nghệ thuật,...Ngoài ra, bạn có thể tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử như hang Bảy Cử, dinh Tiên Hiền,...

Khu du lịch có nhà hàng và khách sạn nằm ngay bên trong dành cho những ai muốn thưởng thức đặc sản địa phương cũng như nghỉ lại qua đêm tại đây.

Thời gian du lịch lý tưởng nhất: từ tháng 2 đến tháng 7.

Giá vé tham quan cho người lớn là 20.000 đồng/người. Vé đi đò là 45.000 đồng/người. Nếu bạn di chuyển tới đây bằng xe ô tô thì sẽ có thêm phụ phí 15.000 đồng/người. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi sẽ có phí tùy từng hạng mục.

Quy Nhơn – Thành Phố Của Những Sự Xinh Đẹp