Đã sao chép liên kết
Thứ 5, 03/10/2024 - TP HCM 28° C TP. Hồ Chí Minh

Sau Khi Ăn Không Nên Làm Gì?

Tiêu hóa là quá trình cơ thể phá vỡ và phân giải thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để hoạt động.

Một hệ thống tiêu hóa tốt đóng vai trò cốt lõi trong sức khỏe toàn thân. Không chỉ là cơ quan chính của cơ thể đối với việc tiếp nhận và hấp thu chất dinh dưỡng, hệ tiêu hoá có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ nội tiết, tình trạng da, sức khoẻ tâm thần và các bệnh lý… Do đó, một bộ phận nào đó của hệ tiêu hóa bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.

Quá trình tiêu hoá không chỉ dừng lại sau khi ăn xong mà kéo dài cả một khoảng thời gian sau đó. Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn, chúng ta cũng cần phải lưu ý đến các hoạt động sau ăn, biết không nên làm gì trong khoảng thời gian này để giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường, không cản trở việc hấp thu dinh dưỡng và gây bệnh cho cơ thể.

1. Ngủ

Hai bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất của cơ thể là não bộ và hệ tiêu hóa. Sau khi ăn xong, năng lượng trong cơ thể được đổ dồn xuống hệ tiêu hóa, đồng nghĩa một lượng lớn máu được đẩy xuống dạ dày giúp co bóp và tiêu hóa thức ăn. Điều này dẫn tới lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác sẽ bị giảm đi, gây nên hiện tượng ăn xong buồn ngủ, “căng da bụng trùng da mắt”.

ngủ

Tuy nhiên, ngủ là trạng thái cơ thể được nghỉ ngơi, ngủ sau ăn sẽ làm cho quá trình tiêu hoá và trao đổi chất của cơ thể bị chậm lại, có thể gây tăng cân và nhiều triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, trào ngược dạ dày.

Cơ thể thường mất từ 2~3 giờ để tiêu hoá thức ăn và làm rỗng dạ dày vì vậy ngủ ngay sau khi ăn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Một số cách thức giúp giảm mức độ buồn ngủ sau khi ăn:

  • Tránh thức ăn giàu protein: không phải tất cả các loại thức ăn đều tác động lên cơ thể ta cách thức như nhau. Thức ăn giàu chất béo, đường, carbohydrate thường chịu trách nhiệm chính cho những cơn buồn ngủ. chúng ta có thể giảm tác động này bằng cách cân bằng giữa các loại rau, chất béo, carbohydrate trong khẩu phần ăn. Việc tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tạo ra cơn buồn ngủ thấp hơn trong ngày.
  • Đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn: sẽ giúp tăng quá trình tuần hoàn máu, kích thích hoạt động cơ bắp và giúp cơ thể tỉnh táo hơn.
  • Ăn những bữa nhỏ: sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn sau bữa trưa, nhất là khi chúng ta đang ở văn phòng.

2. Tắm

Tắm ngay sau khi ăn gây hại cho quá trình tiêu hóa. Hành động này có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, bụng khó chịu và co thắt dạ dày.

tắm

Khi chúng ta ăn, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ vì máu di chuyển đến các cơ quan tiêu hoá, giúp cơ thể tiêu hoá thức ăn đúng cách. Sau bữa ăn, hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động mạnh. Tắm sẽ làm mát cơ thể dẫn đến việc các mạch máu trên bề mặt cơ thể được giãn ra, máu sẽ di chuyển từ dạ dày đến các bộ phận khác như tay chân nhiều hơn, lượng máu cần cho quá trình tiêu hóa của dạ dày bị giảm xuống gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, cơ thể khó hấp thu dưỡng chất.

Nên tắm sau bữa ăn từ 1-2 tiếng bởi lúc này thức ăn trong dạ dày đã được xử lý, cơ thể đã hấp thụ được một số chất dinh dưỡng và nạp đủ năng lượng, có thể giảm áp lực cho hệ tiêu hóa và máu lẫn hệ thống tuần hoàn.

3. Hút Thuốc

Việc hút thuốc ngay sau khi ăn có hại gấp 10 lần bình thường và gây tổn thương toàn bộ cơ thể. Đó là bởi sau khi vừa ăn xong, dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ và truyền đi khắp cơ thể qua các tế bào máu. Cùng lúc đó nếu chúng ta hút thuốc, nicotin sẽ qua máu được hấp thụ vào cơ thể, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột và ung thư phổi.

Tốc độ hấp thu trong cơ thể tăng lên sau bữa ăn. Điều này khiến cho việc hấp thu các hóa chất dễ dàng hơn và gây hại nhiều hơn.

hút thuốc

4. Ăn Trái Cây

Nhiều người cho rằng ăn trái cây sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn nên thường tranh thủ ăn trái cây ngay sau những bữa ăn chính như một kiểu tráng miệng. Tuy nhiên, ăn trái cây sau khi ăn no có thể dẫn đến một vài vấn đề liên quan tới sức khoẻ.

  • Nếu sau khi ăn một bữa no, nhiều dinh dưỡng mà lại ăn thêm hoa quả thì có thể xảy ra trường hợp thừa dinh dưỡng. Đặc biệt là ở những người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu,... có thể dẫn đến khó tiêu hóa.
  • Trái cây có hàm lượng đường khá cao (glucose, fructose, sucrose, tinh bột,...). Nếu ăn no rồi mới ăn trái cây thì lượng đường trên không kịp hấp thụ vào hệ thống tiêu hóa, đường sẽ lên men trong dạ dày, sinh ra axit dẫn tới triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
  • Trái cây còn giàu Hemicellulose, enzyme phân hủy Cellulose, chất xơ Pectin đều có khả năng hấp thụ nước mạnh. Sau khi các loại hoa quả đã hấp thụ nước, chúng sẽ nở ra và tăng cảm giác no trong dạ dày, khiến ta cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, nếu có quá nhiều Cellulose cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng nhất định trong cơ thể.
  • Đối với những người đang muốn giảm cân, nếu ăn nhiều trái cây sau khi đã ăn no càng khiến dạ dày bị to ra, từ đó dẫn đến béo phì.
ăn trái cây

Trong một số trường hợp nếu chúng ta đã và đang có vấn đề về tiêu hóa thì nên thay đổi cách ăn hoa quả để hấp thu được dinh dưỡng chuẩn. Dưới đây là một số lời khuyên hướng dẫn cách ăn trái cây tốt cho sức khỏe, chúng ta có thể cân nhắc và tham khảo:

  • Lượng trái cây nên ăn: trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ, chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu dinh dưỡng, trái cây và rau củ quả nên chiếm ít nhất một nửa khẩu phần ăn của chúng ta.
  • Thời điểm nên ăn trái cây: nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn trái cây 1 giờ trước bữa ăn có tác dụng giảm béo, giúp tiêu hóa hiệu quả vì trong trái cây có chất đường khiến cơ thể dễ dàng hấp thu để bổ sung năng lượng, đồng thời các chất xơ trong trái cây khiến cơ thể khó hấp thụ được, dễ tạo cảm giác no. Đây cũng chính là bí quyết giảm cân khi dùng trái cây trước bữa ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể ăn trái cây sau bữa ăn từ 2 - 3 giờ hoặc tốt nhất là vào buổi sáng. Vào buổi sáng, khi mới thức dậy, cơ thể rất cần nạp năng lượng, trái cây nhiều fructose rất hữu ích cho mục tiêu trên.
  • Tiêu chí chọn trái cây: “mùa nào thức nấy”, trái cây vào mùa vừa có chất lượng cao mà giá thành lại phải chăng. Hoa quả nào cũng tốt và bổ dưỡng và ăn loại nào là lựa chọn tùy vào sở thích, thói quen ăn uống của mỗi người.
  • Gợi ý: vào mùa hè, chúng ta có thể chọn những loại trái cây nhiều nước, nhiều vitamin C, caroten và một số chất khoáng, ưu tiên màu sắc sặc sỡ nhưng ít ngọt như cam, táo, ổi.

5. Tập Thể Dục

Sau khi ăn no, cơ thể sẽ mất từ 2-3 tiếng để tiêu hóa và đưa thức ăn từ dạ dày đến ruột non. Trong thời gian này, máu sẽ tập trung ở dạ dày và đường tiêu hoá để hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, khi tập thể dục, có sự thay đổi lưu lượng máu từ dạ dày-đường tiêu hóa đến các cơ bắp đang hoạt động để cung cấp cho chúng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để thực hiện các hoạt động thể chất khi tập thể dục. Điều này có thể gây ra một số vấn đề về đường tiêu hóa như đầy hơi, buồn nôn, đau thắt bụng, trào ngược, nôn mửa, tiêu chảy,...

Uể oải, mệt mỏi, giảm hứng thú và giảm hiệu suất tập luyện cũng có thể xảy ra, có thể do nạp nhiều carbohydrate như cơm, mì hoặc thực phẩm có đường trong bữa ăn khiến lượng đường trong máu tăng mạnh và cũng giảm mạnh khi tập luyện dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức.

tập thể dục

6. Đánh Răng

Nhiều người trong chúng ta có thói quen đánh răng ngay sau khi ăn vì cho rằng cần phải loại bỏ nhanh chóng thức ăn bám trên răng và làm sạch miệng sau bữa ăn. Tuy nhiên, điều này thường gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Nguyên nhân là do đánh răng sau ăn có thể vô tình làm hỏng lớp men răng mỏng manh.

Men răng là lớp ngoài cùng bao phủ và bảo vệ răng, tạo nên lớp vỏ cứng chắc. Đây được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất ngăn ngừa hư răng. Tuy nhiên, theo thời gian hoặc dưới tác động bên ngoài, men răng sẽ bị bào mòn dần và để lộ lớp ngà răng bên dưới, khiến răng xảy ra tình trạng nhạy cảm.

Các loại thực phẩm chứa axit có khả năng làm mềm men răng tạm thời. Do đó, đánh răng ngay sau khi ăn có thể làm hỏng men răng khi lớp men này còn đang yếu sau khi tiếp xúc với axit từ thức ăn.

Thời điểm thích hợp để việc đánh răng sau ăn giúp hàm răng trở nên sạch sẽ mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe răng miệng là ít nhất khoảng 30 phút sau bữa ăn. Đó là thời gian lý tưởng để tuyến nước bọt hoạt động và trung hòa tính axit, giúp cân bằng độ kiềm hợp lý ở khoang miệng.

Lượng nước bọt tiết ra sau khi ăn đóng vai trò như nơi chứa canxi và photphat cho răng, giúp răng chắc lại và hấp thụ thêm canxi, hình thành nên một lớp bảo vệ cho răng.

đánh răng