Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 27° C TP. Hồ Chí Minh

Công Dụng Của Ngải Cứu

Ngải cứu là loại rau, cây thuốc dân gian mang nhiều lợi ích được tin dùng phổ biến ở nước ta. Với đặc thù dễ trồng, giá thành thấp, ngải cứu xuất hiện trong nhiều bài thuốc cũng như món ăn hằng ngày với công dụng không thể ngờ!

Công Dụng Của Ngải Cứu

1. Đặc điểm của cây ngải cứu

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris L., thuộc họ Asteraceae (Cúc), có nhiều tên gọi khác như cây thuốc cứu, ngải diệp,…

Là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Những lá ở ngọn có hoa không chẻ.

Cây ngải cứu ưa ẩm, dễ trồng bằng cách giâm cành hay cây con mặc dù cây có ra hoa và cho hạt nhưng hạt không được sử dụng để gieo trồng.

Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 - 1m, trong lá có chứa tinh dầu, các flavonoid, các amino acid, adenine, choline.

2. Ăn rau ngải cứu có tác dụng gì?

Theo Y học cổ truyền, lá cây ngải cứu chứa nhiều chất kháng khuẩn và tinh dầu giúp giảm đau rất hiệu quả. Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng lâu đời trong dân gian và trong Đông y để:

  • Cầm máu: phụ nữ kinh nguyệt không đều, người tiểu tiện/đại tiện ra máu.
  • Giảm đau nhức, trị cảm cúm.
    Sử dụng ngải cứu, lá khuynh diệp, vỏ bưởi đun với 2 lít nước sau đó dùng để xông trong vòng 15 phút. Làm liên tục trong 2-3 ngày bệnh cảm cúm sẽ thuyên giảm.
  • Sát trùng, kháng khuẩn: ghẻ lở, trị viêm da, dị ứng, rôm sảy, mẩn ngứa…nhờ tinh dầu có tính kháng khuẩn cao.
    Ngải cứu sau khi giã nát, vắt lấy nước rồi hòa chung với nước tắm hằng ngày để giảm ngứa, rôm sảy.
  • Điều hòa khí huyết, điều kinh.
  • Đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ.
  • Bạch đới, phong thấp, hàn thấp.
  • Lợi tiểu.
  • Chống đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...
  • Diệt và đuổi côn trùng.

Tùy vào mục đích, có nhiều cách sử dụng lá ngải cứu, có thể sao khô để sử dụng lâu dài hoặc ăn trực tiếp ngải cứu tươi.

Mặc dù ngải cứu có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng chúng ta không nên lạm dụng nó, việc ăn rau ngải cứu quá nhiều hoặc quá thường xuyên có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt đối với cơ thể. Ăn rau ngải cứu nhiều có thể gây ngộ độc dẫn đến tình trạng chân tay run hoặc co giật dẫn đến tổn thương tế bào não.

Chỉ nên ăn rau ngải cứu từ 1-2 lần trong một tuần, nếu bị bệnh cần sử dụng ngải cứu để điều trị thì nên đi theo chỉ định của thầy thuốc.

Ngải cứu có vị đắng nên có thể kết hợp với một số loại thực phẩm khác để làm ra các món ăn bổ dưỡng, dễ ăn như:

  • Gà ác hầm ngải cứu: dùng 1 con gà ác khoảng 100g, 50g ngải cứu hầm trong nửa lít nước kết hợp thêm đương quy, kỷ tử, táo tàu, thục địa… có tác dụng điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn (sĩ tử đi thi, mẹ bầu sau sinh…).
  • Trứng rán ngải cứu: là món ăn đơn giản, dễ làm, có nhiều tác dụng nếu ăn trong thời gian dài (chỉ nên ăn 1-2 lần trong tuần) như lưu thông máu huyết, loại bỏ máu ứ, có lợi cho quá trình trao đổi chất, giúp loại bỏ chứng lạnh trong tử cung, giảm đau đầu. Không dùng quá 30g ngải cứu mỗi lần chiên trứng.
  • Óc heo chưng ngải cứu: giúp thay đổi khẩu vị, kích thích ăn ngon hơn vì trong lá ngải cứu có chứa adenine và choline, hai thành phần cấu thành lên vitamin B có tác dụng tích cực trong chuyển hóa các chất.

3. Lưu ý khi dùng ngải cứu

  • Không nên sử dụng ngải cứu trong thời gian dài vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.
  • Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe nhưng những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng.
  • Đối với phụ nữ mang thai: không ăn hoặc uống nước ngải cứu trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.
  • Tinh dầu có trong ngải cứu có thể gây độc cho gan, thận và ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất khác.
  • Người bị rối loạn đường ruột nên tránh sử dụng ngải cứu bởi nó sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát quá trình trị bệnh liên quan tới đường ruột.