Đã sao chép liên kết
Thứ 3, 03/12/2024 - TP HCM 26° C TP. Hồ Chí Minh

Cách Nấu Sữa Bí Đỏ

Sữa bí đỏ là thức uống lành mạnh, cung cấp đa dạng vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Sữa bí đỏ hỗ trợ cho nhu cầu tăng cân của trẻ em hay người gầy. Nó còn có mặt trong danh sách các loại đồ uống giúp đẹp da, giữ dáng của chị em phụ nữ.

Cách Nấu Sữa Bí Đỏ

Nguyên Liệu

  • Bí đỏ: 500g
  • Sữa đặc: 150g
  • Sữa tươi: 220ml
  • Muối: 1g
  • Nước lọc: 1L
  • Lá dứa: 30g

Bí đỏ có rất nhiều loại, trong đó, bí đỏ hồ lô thơm và dẻo nên dùng nấu sữa sẽ ngon hơn.

Khi mua bí, bạn nên chọn quả mới hái, cuống dài, vỏ trơn nhẵn có pha chút màu xanh, ruột bí đặc, có màu vàng cam đậm.

Chọn những quả nặng, cầm chắc tay. Lớp vỏ ngoài nguyên vẹn, không bị trầy xước, dập nát hay có dấu vết của sâu bọ.

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

∘ Bí đỏ mua về rửa sạch lớp vỏ bên ngoài. Tiếp đến gọt vỏ bí, cắt đôi và loại bỏ hạt bí, rửa sạch.

∘ Cắt bí thành từng miếng dày khoảng 2 – 3 cm để khi nấu bí sẽ nhanh chín.

∘ Lá dứa rửa sạch, bó lại một chùm.

Cách Nấu Sữa Bí Đỏ

Bước 2: Nấu bí đỏ

∘ Cho bí vào nồi cùng với một ít nước sao cho ngập phần bí và 1g muối, đun trên bếp trong khoảng 15 phút. Khi bí chín mềm thì tắt bếp. Để khoảng 10 phút cho bí nguội bớt.

∘ Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bí vào xửng hấp chín. Cách này sẽ giúp bí giữ được độ ngọt và chất dinh dưỡng nhưng tốn nhiều thời gian hơn.

Bước 3: Xay nguyên liệu

∘ Cho bí vào máy xay sinh tố cùng với phần nước luộc bí xay nhuyễn.

∘ Đặt một chiếc ray lọc lên trên nồi, đổ từ từ hỗn hợp bí đỏ đã xay nhuyễn vào để lọc lấy nước bí đỏ. Công đoạn này giúp sữa sau khi nấu được mịn hơn.

∘ Nếu bạn thích uống đặc và muốn giữ lại trọn vẹn dưỡng chất từ bí thì không cần lọc.

Bước 4: Nấu sữa

∘ Cho phần bí đỏ đã xay mịn lên bếp, tiếp đó cho phần nước lọc còn lại và 30g lá dứa vào nồi. Bật bếp nấu với lửa nhỏ, trong lúc nấu khuấy đều liên tục để sữa không bị lắng dưới đáy nồi, dễ cháy khét. Nếu có bọt thì vớt bỏ.

∘ Tiếp đến, cho từ từ 220ml sữa tươi và 150g sữa đặc vào nồi, nếu muốn sữa có vị ngọt đậm đà thì cho thêm 1 muỗng canh đường. Nấu đến khi các nguyên liệu tan hoàn toàn, sữa vừa sôi nhẹ thì tắt bếp. Không đun cho sữa sôi sùng sục.

Bước 5: Thưởng thức

∘ Sửa bí đỏ thành phẩm có độ sánh vừa phải, mùi bí đặc trưng, mùi lá dứa nhẹ nhàng, không bị mùi của sữa lấn át, uống nóng hay lạnh đều rất ngon. Uống sữa nóng sẽ cảm nhận được vị thơm ngọt đậm đà, uống lạnh thì thanh mát, dễ chịu.

∘ Khi muốn uống lạnh, bạn nên rót sữa vào chai thủy tinh, đậy nắp kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh, vì cho đá vào sẽ làm loãng sữa.

Cách Nấu Sữa Bí Đỏ

Lưu ý

  • Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà thêm bớt lượng sữa phù hợp.
  • Sữa bí đỏ khi nấu xong, nếu để ở trong phòng với nhiệt độ thường thì chỉ có thể sử dụng trong ngày. Sau khoảng 8 – 12 giờ sữa sẽ bị hỏng.
  • Để bảo quản sữa được lâu hơn, khi sữa nguội, bạn cho vào các chai/lọ, đậy kín nắp và đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Chú ý nên đặt các chai sữa sát vào trong (gần đèn) mới đủ độ lạnh để giữ được sự tươi ngon trong 3 – 4 ngày.
  • Tốt nhất, bạn nên nấu lượng sữa đủ dùng trong ngày để thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon và dinh dưỡng của sữa.
  • Nếu để quá lâu, lượng vitamin trong sữa sẽ bị hủy hoại và vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập, uống vào dễ gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
  • Sữa bí đỏ rất giàu dinh dưỡng nhưng cần uống đúng cách, đúng liều lượng mới đem lại tác dụng tích cực cho sức khỏe. Tùy thuộc vào thể trạng, độ tuổi của mỗi người sẽ quyết định khẩu phần sữa khác nhau. Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên uống từ 30 – 50ml/ngày. Người lớn uống từ 200 – 500ml/ngày, nên chia thành nhiều bữa.
  • Chỉ nên uống sữa bí đỏ 2 – 3 lần/tuần. Uống quá nhiều có thể gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc tăng cân nhanh chóng.
  • Nếu muốn tăng cân, bạn nên uống sữa sau bữa trưa và buổi tối trước khi đi ngủ từ 1 – 2 tiếng.