Đã sao chép liên kết
Thứ 6, 18/10/2024 - TP HCM 29° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Dại – Khái Niệm, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn.

Bệnh Dại – Khái Niệm, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, lây từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ...), đôi khi có thể xảy ra với những người làm nghề thú y hoặc người làm ở lò mỗ khi tiếp xúc với động vật bị dại, nước bọt của động vật dính vào vết xước trên cơ thể.

Vẫn có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, thông qua vùng da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc dại hoặc thông qua các ca ghép tạng.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân

Bệnh dại do virus dại (Rhabdovirus thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus) gây ra có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại.

Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi.

Có 2 chủng virus dại:

  • Virus dại đường phố là virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh
  • Virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ)

Sức đề kháng của virus dại yếu, bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 40 độ C, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0 độ C sống được từ 3 đến 4 năm. Virus dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

3. Triệu chứng bệnh dại

  • Thời kỳ ủ bệnh ở người thường là 1–3 tháng song đã ghi nhận trường hợp ngắn đến 4 ngày và dài đến hơn 6 năm tùy vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của vết thương, số lượng virus xâm nhập, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
  • Giai đoạn tiền triệu chứng: biểu hiện bởi cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
  • Giai đoạn viêm não và viêm màng não: biểu hiện bởi tình trạng mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ nước, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, hoang tưởng, quấy rối, ảo giác, rồi tiến tới mê sảng và hôn mê.

Cái chết thường xảy ra sau đó 2 đến 10 ngày. Khi triệu chứng đã biểu hiện, khả năng sống sót là gần như bằng không, kể cả bệnh nhân có được chăm sóc tích cực hay không.

Louis Pasteur và Émile Roux đã tìm ra vắc-xin vào năm 1885.

4. Đường lây truyền bệnh dại

Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là ở chó hoang dã như chó sói đồng, chó sói, chó rừng và chó nhà. Ngoài ra, ổ chứa virus dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.

Ở Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó. Chó mắc bệnh dại thường có những hành vi khác thường như: cắn mà không bị khiêu khích, ăn gặm những vật bất thường như móng tay, gậy, chạy lung tung không rõ ràng, liên tục gầm gừ, tiết nước bọt quá mức ở các góc miệng,…

5. Phòng ngừa bệnh dại

  • Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng: cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.
  • Phối hợp thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo.
  • Tiêm vắc-xin dại có hiệu lực cho chó, mèo.
  • Cần rọ mõm, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn không bỏ chạy vì đánh thức bản năng săn mồi của chó. Bạn đứng yên, 2 tay để hai bên tư thế giống một cái cây và nhìn lảng đi nơi khác, nhiều con chó sẽ mất hứng thú vì bị phớt lờ. Nếu vật nuôi bắt đầu cắn bạn, bạn phải tự vệ bằng cách đánh hoặc đá vào cổ họng, mũi và gáy của chó làm nó choáng và bạn có thời gian chạy thoát.
  • Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại,... cần được gây miễn dịch bằng vắc-xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.
  • Khi chăm sóc người bệnh dại cần mặc đồ y tế cá nhân để tránh nhiễm nước bọt và vết thương có nguồn lây virus. Giữ người trong phòng yên tĩnh, tránh gió lùa, ánh sáng dịu để không bị kích thích, co giật.

6. Bệnh dại có chữa được không?

  • Khi bị động vật cắn, nhất là chó cắn, điều đầu tiên bạn cần làm là rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ngay lập tức. Chỗ vết cắn, trầy xước hãy làm sạch hoàn toàn với cồn 70% rượu/ethanol hoặc povidone-iodine (nếu có). Hoặc có thể làm sạch bằng xà phòng, chất tẩy rửa,… ít nhất 15 phút.
    Sau đó khử trùng vết thương bằng chất khử trùng có cồn hoặc iốt và băng bó đơn giản rồi đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
  • Bệnh dại phòng ngừa được bằng vắc-xin và nên đến bệnh viện ngay khi bị động vật cắn, không cần biết có mắc bệnh dại hay không. Vì khi bệnh đã có triệu chứng, tỉ lệ tử vong hầu như là 100%.