Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 28° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Bạch Hầu – Nguyên Nhân Và Triệu Chứng

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh rất dễ dàng lây từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, có thời gian ủ bệnh ngắn và dễ bùng phát dịch.

Bệnh Bạch Hầu

1. Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân (amidan), hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu

Do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Họ này gồm các giống Corynebacterium, Erysipelothrix, Listeria, ký sinh ở đất, súc vật và người.

Vi khuẩn bạch hầu có 3 tuýp gồm: Gravis, Mitis và Intermedius.

Vi khuẩn bạch hầu là vi khuẩn gram âm, hiếu khí. Môi trường nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu thông thoáng sẽ giúp vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, loại vi khuẩn này phát triển nhanh ở môi trường có máu và huyết thanh.

Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể, có thể chịu được thời tiết khô và lạnh giá. Nếu được chất nhầy bao bọc, vi khuẩn bạch hầu có thể sống trên đồ vật từ vài ngày đến vài tuần, sống được 30 ngày trên đồ bằng vải, sống 20 ngày trong sữa, nước uống và tồn tại được 2 tuần trong tử thi.

Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

3. Thời gian ủ bệnh và phương thức lây truyền bệnh bạch hầu

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bạch hầu sẽ có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng, chúng sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở:

  • Mũi
  • Họng
  • Lưỡi
  • Đường thở (khí quản)

Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận.

Bệnh Bạch Hầu

4. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Khi xâm nhập vào đường hô hấp, vi khuẩn bạch hầu sẽ cư trú ở niêm mạc hầu, họng và tiết ra ngoại độc tố. Vi khuẩn và độc tố gây loét tại chỗ, tạo thành giả mạc màu trắng xám, dính chặt vào niêm mạc, khi bóc tách có thể gây chảy máu.

Giả mạc xuất hiện đầu tiên ở họng, sau đó lan tràn lên đường mũi hoặc xuống khí quản, gây khó thở. Ngoài ra, ngoại độc tố còn theo đường máu tác động đến hệ thống thần kinh, gây ra các triệu chứng như liệt vòm miệng, cơ mắt, liệt tứ chi, gây thương tổn tại tuyến thượng thận, tác động lên tim gây rối loạn nhịp tim, suy tim,...

5. Dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Chảy nước dãi
  • Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Thay đổi thị lực
  • Nói lắp
  • Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Sưng các tuyến ở cổ
  • Ho ông ổng
  • Viêm họng, sưng họng
  • Da xanh tái

6. Đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu

Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, như:

  • Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ, cần cho trẻ đi tiêm phòng sớm.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do thường bỏ qua nhiều mũi nhắc quan trọng trong đời, rơi vào “khoảng trống miễn dịch”.
  • Người già, đặc biệt là người có bệnh nền.
  • Người đi du lịch đến vùng dịch tễ.
  • Những người sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.
  • Người đã nhiễm bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch cả đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch sẽ có khả năng tái nhiễm nhưng không cao.
  • Hiệu quả vắc xin bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch có hiệu quả lên đến 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không tiêm mũi vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
  • Những người suy giảm miễn dịch.

7. Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu

  • Tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người già có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu, phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai,… Tiêm theo giai đoạn và nhắc lại.
  • Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân để cung cấp những thông tin cần thiết về triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
  • Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần nhanh chóng cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán điều trị kịp thời. Tránh tiếp xúc với người xung quanh.
  • Những người chăm sóc người bệnh bạch hầu cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời không gian sống cần được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Ở trường lớp nếu có trẻ mắc bạch hầu cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng mà trẻ đã sử dụng, nên sử dụng các chất sát khuẩn mạnh như cloramin B tẩy rửa sàn nhà, quần áo, chăn mền, các đồ dùng… của trẻ mắc bệnh và người tiếp xúc với trẻ.
  • Người dân sống trong vùng có ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định của cơ quan y tế về cách ly, uống thuốc và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.