Thận là một cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu. Mỗi người có hai quả thận, thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút. Ngoài chức năng lọc máu và đào thải độc tố theo đường niệu đạo dẫn đến bàng quang và thải ra ngoài thì thận còn giúp tái hấp thu nước, các acid amin và glucose.
Ngoài ra, thận còn có chức năng cân bằng axit-bazơ và chức năng nội tiết: là nơi sản xuất các hormone như calcitriol (thúc đẩy sự hấp thu canxi của đường ruột và tái hấp thu phosphate ở thận), renin (điều chỉnh nồng độ angiotensin và aldosterone-một hệ thống các hormon làm nhiệm vụ điều hòa cân bằng huyết áp và dịch ngoài tế bào trong cơ thể người) và erythropoietin (kích thích tạo hồng cầu trong tủy xương-nơi sản xuất chủ yếu của các tế bào hồng cầu).
Thận bị suy giảm chức năng có nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý như sỏi thận, suy thận, nhiễm trùng thận…
Vì là cơ quan quan trọng của cơ thể nên chúng ta cần tránh những thói quen không tốt để giúp bảo vệ thận luôn khoẻ mạnh.
Trong quá trình hoạt động hàng ngày, cơ thể bị mất nước thông qua các hoạt động như: đổ mồ hôi, đi tiểu, thậm chí ngay cả khi chúng ta thở. Mặt khác, nước giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Nếu cơ thể chúng ta không được cung cấp đủ nước, thận sẽ bị suy giảm tần suất hoạt động, chất thải cùng với axit có thể tích tụ trong cơ thể, lâu ngày có thể dẫn đến sỏi thận, thận ứ nước.
Vì vậy cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để thận có thể đào thải độc tố ra ngoài, duy trì chức năng khoẻ mạnh (trung bình 1.5~2L nước mỗi ngày tuỳ cơ địa mỗi người).
Ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu.
Một số thành phần có trong muối, đặc biệt là natri và kali đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cân bằng nước, cân bằng điện giải của cơ thể. Nhưng khi chúng ta ăn quá nhiều muối (hay có thể hiểu là tăng lượng natri, kali tiêu thụ) sẽ khiến thận mất khả năng kiểm soát cân bằng muối nước. Cơ thể sẽ bị khát nước, mất nước nhanh; các chất lỏng trong cơ thể (bao gồm máu và các chất thải...) trở nên cô đặc và khó di chuyển; ảnh hưởng đến chức năng của thận dẫn tới những bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...
Sử dụng thuốc là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hại cho thận.
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc đầu tiên và hay gặp nhất có thể gây suy thận khi sử dụng không đúng chỉ định. Mỗi nhóm hoặc loại kháng sinh khác nhau gây tổn thương đến thận theo nhiều cách khác nhau:
+ Một số kháng sinh khi hoạt động có thể tạo ra các tinh thể bền chắc, kết tủa và làm gián đoạn dòng nước tiểu.
+ Một số khác chứa các chất có thể ảnh hưởng tới tế bào mà thận cố gắng đào thải ra khỏi cơ thể.
Thuốc lợi tiểu
Đây là nhóm thuốc giúp thận tăng quá trình lọc để bài tiết nước tiểu nhiều hơn, thuốc được chỉ định để điều trị cho người bệnh huyết áp cao và một số bệnh có thể gây sưng, tấy.
Thuốc lợi tiểu giúp thải bớt lượng dịch dư thừa bên trong cơ thể, tuy nhiên tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này là có thể gây ra tình trạng mất nước và vô tình gây tổn thương cho 2 quả thận với nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Dù là những loại thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, Nuprin), naproxen (Aleve, Anaprox, Naprosyn) hay thuộc nhóm kê đơn, những loại thuốc này đều có nguy cơ hại thận nếu người bệnh sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài hoặc quá liều của bác sĩ.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton được chỉ định trong điều trị các vấn đề dạ dày như chứng ợ nóng, viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản.
Thuốc này có thể làm giảm lượng axit trong dạ dày người bệnh nhưng một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lạm dụng thuốc này trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận và có thể dẫn đến suy thận.
Một nhóm thuốc khác giúp điều trị các bệnh lý tương tự là thuốc kháng histamin H2 (pepcid, tagamet, zantac) ít gây ra những vấn đề liên quan đến thận hơn so với thuốc ức chế bơm proton. Do đó những bệnh nhân có chỉ định PPI điều trị kéo dài cần trao đổi với bác sĩ để xin ý kiến về việc chuyển sang một loại thuốc khác vừa giúp điều trị hiệu quả vừa hạn chế tổn thương đến thận.
Thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng không kê đơn hoặc theo toa (chứa natri phosphat đường uống), được bác sĩ chỉ định sử dụng đều có thể tạo ra các tinh thể lắng đọng tại thận, làm tổn thương-làm giảm chức năng thận hoặc có nguy cơ gây suy thận.
Khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại và đào thải ra ngoài.
Uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh thận.
Thường xuyên uống bia rượu cũng là một nguyên nhân chính gây bệnh gan. Gan không hoạt động tốt có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, do đó bệnh gan có thể ảnh hưởng đáng kể đến thận.
Hầu hết mọi người đều từng nhịn tiểu vài lần trong ngày. Đây dần trở thành một thói quen phổ biến ở thời hiện đại khi chúng ta ngày càng ưu tiên giải quyết nhiều công việc khác trước. Tuy nhiên, việc nhịn tiểu quá lâu một cách thường xuyên có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm về thận và các bộ phận liên quan.
Nước tiểu từ thận sẽ được bàng quang tích trữ lại. Trung bình bàng quang có thể chứa tối đa khoảng 420ml chất lỏng. Khi bàng quang đầy khoảng từ 250 – 350ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn, các dây thần kinh ở bàng quang sẽ gửi tín hiệu lên não để chúng ta hiểu đã đến lúc cần tìm nhà vệ sinh gần nhất. Tuy nhiên, não có thể báo hiệu cho bàng quang giữ lại phần chất lỏng kia cho đến khi có thời điểm thích hợp, dẫn đến việc nhịn tiểu.
Khi nhịn tiểu, bàng quang sẽ giãn ra, kéo căng theo các cơ vòng bên ngoài. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ rất dễ dẫn đến việc mất kiểm soát các cơ vòng, khiến nước tiểu rò rỉ.
Bên cạnh đó, bàng quang căng đầy trong thời gian dài là nguyên nhân khiến nhiều người nhịn tiểu lâu bị đau bụng dưới và là cơ hội cho vi khuẩn tích tụ ở thận gây ra bệnh nhiễm trùng hay dẫn tới sỏi thận.
Protein có nguồn gốc từ động vật đặc biệt là các loại thịt có màu đỏ rất khó tiêu hoá, sẽ làm thận hoạt động quá tải, về lâu về dài có thể dẫn đến tổn thương hoặc rối loạn chức năng thận. Do đó, chúng ta cần có một chế độ ăn uống cân bằng, tiêu thụ khoảng bằng hoặc ít hơn 70gram thịt đỏ mỗi ngày. Tốt nhất 1 tuần nên ăn 2 lần, mỗi lần ăn tương đương từ 100 – 150g, tùy vào cân nặng của mỗi người để tăng hoặc giảm một cách phù hợp.