Đã sao chép liên kết
Thứ 3, 22/10/2024 - TP HCM 26° C TP. Hồ Chí Minh

Lợi Ích Dinh Dưỡng Từ Cà Rốt

Cà rốt là một loại cây có củ, thường có màu đỏ, vàng, trắng hay tía. Cà rốt là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể như: calo, protein, carbohydrate, chất xơ, vitamin A, vitamin K, vitamin B6, vitamin C, kali, magie…

Lợi Ích Dinh Dưỡng Từ Cà Rốt

1. Đặc điểm cây cà rốt

Cà rốt xuất hiện lần đầu tiên ở Afghanistan. Là một loại cây có củ thường có màu đỏ, vàng, trắng hay tía. Phần ăn được của cà rốt là củ, thực chất là rễ cái của nó.

Trong tự nhiên, cà rốt là loại cây sống hai năm có rễ trụ nhẵn hay có lông. Lá mọc so le, không có lá kèm, bẹ khá phát triến, phiến lá xẻ lông chim, càng gần phía đầu càng hẹp. Hoa hợp thành tán kép, tán nhỏ mang hoa trắng hồng hay tía, lá bắc của tổng bao cũng xẻ lông chim, lá bắc của tiểu bao đơn hay xẻ ba.

Loại củ phổ biến và đa năng này có thể mang hương vị hơi khác nhau tùy thuộc vào màu sắc, kích thước và nơi trồng. Đường trong cà rốt tạo ra vị ngọt nhẹ, nhưng đôi khi cũng có thể mang mùi đất hoặc hơi đắng.

Với hàm lượng chất chống oxy hóa, beta-carotene, các vitamin và khoáng chất dồi dào, cà rốt được xem là một trong những thực phẩm cực tốt cho sức khỏe.

  • Cà rốt cam cung cấp rất nhiều beta-carotene, chất chống oxy hóa này khiến cà rốt có màu cam bắt mắt và dễ dàng chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể.
  • Cà rốt tím thì lại rất giàu anthocyanin và các hợp chất phenolic khác rất có lợi cho hệ tim mạch.
  • Cà rốt vàng và tím có chứa lutein, một loại carotenoid tự nhiên bảo vệ đôi mắt khỏi stress oxy hóa, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

2. Lợi ích khi ăn cà rốt

Tốt cho mắt

Cà rốt có chứa carotenoid - nhóm các hợp chất có công thức cấu tạo tương tự nhau và tác dụng bảo vệ cơ thể cũng tương tự nhau, những hợp chất này tích tụ trong củ. Carotenoid có 2 loại trong đó loại quan trọng và khá quen thuộc với chúng ta là beta-carotene hay còn gọi là tiền chất của vitamin A. Khi hấp thu vào cơ thể, beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A. Beta-carotene là chất chống oxy hóa mạnh, ngăn chặn tế bào ung thư, chống sự hình thành cục máu đông trong thành mạch máu.

Cà rốt giàu beta-carotene, là nguồn cung cấp vitamin A rất phong phú giúp ngăn ngừa chứng khô mắt dẫn đến khô kết mạc, nhuyễn giác mạc gây mù lòa; bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời và làm giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể cũng như các vấn đề thị lực khác.

Nếu thiếu vitamin A trong thời gian dài sẽ làm hỏng các tế bào thị giác trong võng mạc của mắt dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như mờ mắt hay quáng gà. Bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống có thể giảm mờ mắt, phòng tránh các bệnh về mắt.

Giảm nguy cơ ung thư

Carotenoid có trong cà rốt giúp cơ thể chống lại các tác nhân oxy hóa từ bên ngoài, tiêu diệt các gốc tự do có hại trong cơ thể từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở phổi, đại trực tràng và bệnh bạch cầu. Loại carotenoid khác trong cà rốt là lycopene giúp phòng ngừa các bệnh ung thư dạ dày, tuyến tiền liệt, phổi, vú. Lycopene cũng hỗ trợ sức khỏe mạch máu, ngăn ngừa rối loạn tim mạch.

Tăng cường miễn dịch

Hai loại vitamin B6 và C trong loại củ này đều thúc đẩy hệ thống miễn dịch, phòng ngừa nhiễm trùng, cúm hoặc bệnh tật khác.

Vitamin B6 tham gia vào quá trình sản xuất kháng thể giúp cơ thể phục hồi nhanh sau nhiễm trùng. Vitamin C giúp cơ thể tạo ra các kháng thể bảo vệ hệ miễn dịch, đồng thời tiếp nhận và sử dụng sắt, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng. Vitamin C còn góp phần sản xuất collagen - thành phần chính của mô liên kết, rất cần thiết để chữa lành vết thương và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài ra, sự góp mặt của vitamin A còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách hỗ trợ hình thành và bảo vệ màng nhầy - hàng rào ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể.

Giúp làm đẹp da

Cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotenoid, vitamin C, giúp cơ thể và làn da loại bỏ bụi bẩn bên ngoài. Nó cũng góp phần chống lại tổn thương của gốc tự do, thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Lượng vitamin C dồi dào trong cà rốt còn hỗ trợ sản xuất collagen, giữ cho da đàn hồi tốt, luôn tươi trẻ.

Trong số những thực phẩm rau củ làm đẹp da thì cà rốt chắc chắn không thể thiếu. Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, cà rốt có tác dụng ngăn chặn sự hình thành nếp nhăn, vết sạm trên da.

Giúp ổn định huyết áp

Trong loại củ màu cam này có chứa các hợp chất phenolic điển hình như caffeic, axit chlorogenic và p – coumaric. Những hợp chất này có tác dụng làm giãn mạch máu, giảm viêm và huyết áp cao một cách nhanh chóng.

Cân bằng lượng đường trong máu

Cà rốt là một loại thực phẩm ít calo, nhiều chất xơ, tương đối ít đường. Cà rốt có chứa đường tự nhiên, 10% củ cà rốt là carbohydrate và gần một nửa trong số này là đường. Cà rốt không có khả năng kích hoạt tăng đột biến lượng đường trong máu và an toàn cho người bệnh tiểu đường.

Hơn nữa, chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu và insulin sau khi ăn.

Điều trị táo bón

Cà rốt giàu chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh cùng chuyển động nhu động ruột đều đặn hơn, giúp cơ thể bài tiết chất thải thường xuyên và đều đặn. Chất xơ còn ngăn ngừa táo bón, đầy hơi.

Nếu cơ thể đang gặp khó khăn khi đi vệ sinh, hãy thử nhai vài củ cà rốt sống.

Hỗ trợ sức khỏe trái tim

Những chất chống oxy hóa đều tốt cho tim.

Một củ cà rốt vừa sẽ cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hàng ngày, giúp thư giãn các mạch máu, tránh nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác. Hơn nữa, cà rốt có chất xơ, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn nhiều chất xơ cũng có thể hạ lipoprotein mật độ thấp trong máu, hay còn gọi là LDL cholesterol xấu. Cà rốt đỏ có lycopene, giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Hơn thế nữa, cà rốt chứa nhiều vitamin K, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch. Vitamin này kích hoạt một loại protein gọi là Gas6 để kiểm soát quá trình đông máu. Sức khỏe của tim có thể bị tổn hại do chảy máu quá nhiều hoặc tự phát, tình trạng này được ngăn ngừa bằng lượng vitamin K đầy đủ.

Theo các báo cáo, có khoảng 16,9 microgam vitamin K có trong một cốc nước ép cà rốt.

Giúp duy trì sức khỏe răng miệng tốt

Hàm lượng vitamin A và vitamin C có trong cà rốt giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám ở răng, giúp hàm răng chắc khỏe.

Cà rốt kích thích nướu răng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành nước bọt – kiềm trong tự nhiên giúp cân bằng sự hình thành axit và vi khuẩn trong khoang miệng. Các khoáng chất có trong cà rốt diệt vi khuẩn có hại trong miệng và ngăn ngừa sâu răng. Cà rốt còn có tác dụng tẩy trắng răng rất tốt.

Giúp kích thích mọc tóc

Hàm lượng beta-carotene cao trong cà rốt không chỉ giúp tóc mọc nhanh mà còn góp phần tăng cường sức khỏe da đầu. Beta-carotene hỗ trợ bảo vệ da đầu khỏi các gốc tự do, đảm bảo môi trường thuận lợi cho nang tóc phát triển, hạn chế nguy cơ rụng tóc hay hói đầu. Các sợi tóc dày hơn và chắc khỏe hơn nếu ăn cà rốt thường xuyên.

Hỗ trợ quá trình giảm cân

Cụ thể các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin A có thể giúp giảm béo bụng, đặc biệt là phần mỡ nội tạng (loại mô mỡ này bao quanh các cơ quan quan trọng làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim).

Retinol (một dạng tự nhiên của vitamin A), beta-carotene, lycopene và các chất chống oxy hóa khác có trong cà rốt có thể hỗ trợ giảm mỡ, đồng thời chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi các biến chứng liên quan đến béo phì, chẳng hạn như tăng huyết áp.

Ngoài ra, các hợp chất tự nhiên carotenoid có trong cà rốt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và biệt hóa tế bào mỡ, có thể thực sự làm tăng quá trình oxy hóa chất béo, giảm mỡ và ngăn ngừa tích trữ chất béo.

3. Những lưu ý khi ăn cà rốt

Loại củ này rất bổ dưỡng nhưng ăn quá mức có thể khiến cơ thể không kịp chuyển hóa beta-carotene, lắng đọng tại gan gây vàng da và mắt. Tuy nhiên, chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các dấu hiệu giảm. Chính vì vậy, để đảm bảo hấp thu được tốt nhất những tác dụng của cà rốt thì bạn chỉ nên ăn với số lượng vừa đủ khoảng 100 gram mỗi ngày đối với người lớn và ăn 3 – 4 lần/ tuần là hợp lý. Ngoài ra, người có triệu chứng này nên theo dõi hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có khuyến nghị về liều lượng phù hợp.

Cà rốt chỉ nên được ăn sống và nên tránh mọi phương pháp nấu vì việc nấu chín này sẽ làm cạn kiệt hàm lượng vitamin của chúng. Các vitamin có lợi như vitamin A sẽ bị phá hủy khi nấu chín cà rốt. Ngoài ra, carotenoid và vitamin A có thể hấp thụ tốt hơn khi có chất béo. Do đó, chúng ta có thể ăn cà rốt với một nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như quả bơ hoặc các loại hạt.

Quá nhiều beta-carotene cũng có thể gây ra vấn đề cho những người bị rối loạn chuyển hóa vitamin A, chẳng hạn như bệnh nhân suy giáp.

Mặc dù uống nước ép cà rốt giảm cân đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả, nhưng chúng ta vẫn phải kiểm soát lượng khẩu phần hấp thụ hàng ngày. Thực tế, ngay cả những loại nước ép trái cây và rau quả lành mạnh nhất cũng có thể dẫn đến tăng cân nếu tiêu thụ quá mức.

Một lưu ý là, nước ép cà rốt chứa ít hoặc không chứa chất xơ và protein, 2 chất dinh dưỡng giúp chúng ta no lâu và ngăn chặn cơn đói (90% lượng chất xơ bị loại bỏ trong quá trình ép trái cây). Nếu bạn quyết tâm giảm cân bằng nước ép trái cây trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần có thể dẫn đến mệt mỏi, mất cơ, khó chịu về tiêu hóa và thiếu hụt chất dinh dưỡng.