Đã sao chép liên kết
Thứ 5, 03/10/2024 - TP HCM 28° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác và có thể bùng phát thành dịch.

Bệnh Sởi

1. Bệnh sởi là bệnh gì?

Sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Polinosa Morbillarum (sống trong mũi và họng) gây ra, virus này có dạng hình cầu.

Bệnh rất dễ lây lan qua không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… Biểu hiện của bệnh sởi khá đa dạng, thường gây sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…

Virus sởi chịu đựng kém ở môi trường bên ngoài, chúng chết ở ngoại cảnh trong vòng 30 phút, dễ bị bất hoạt bởi các thuốc sát trùng thường dùng.

Bệnh sởi xảy ra cũng có tính theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng. Bệnh có thể tự khỏi theo thời gian kết hợp với các biện pháp dùng thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống hỗ trợ điều trị. Tiêm vắc xin phòng sởi ngay từ đầu là biện pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.

Khoảng 90% người chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đều bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh.

2. Phương thức lây truyền bệnh sởi

Virus sởi xâm nhập vào trong cơ thể thông qua tiếp xúc thông thường:

  • Chia sẻ đồ uống hoặc thức ăn với người bị bệnh sởi.
  • Tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi (như hôn, nắm tay, bắt tay, ôm…).
  • Chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.
  • Lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.

Khi vào trong cơ thể, virus sẽ nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận. Sau đó, virus vào máu.

Từ máu, theo bạch cầu virus đến các cơ quan nội tạng: phổi, lách, hạch, da... gây tổn thương các cơ quan và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thời kỳ toàn phát. Ban ở da và niêm mạc chính là hiện tượng đào thải virus của cơ thể đã phản ứng miễn dịch bệnh lý.

3. Biểu hiện của bệnh sởi

Giai đoạn nhiễm virus và ủ bệnh

Trong 10 đến 14 ngày đầu sau khi nhiễm bệnh, virus sởi lây lan trong cơ thể. Người bệnh không nhận thấy biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này.

Giai đoạn khởi bệnh

Người bệnh đột ngột sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao. Kèm theo các biểu hiện như: viêm xuất tiết mũi/họng, chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt, hắt hơi…

Giai đoạn phát ban

Một trong những dấu hiệu bị bệnh sởi là tình trạng phát ban. Ban mọc vào ngày thứ 4 – 6 của bệnh. Khi ban bắt đầu mọc, người bệnh sẽ sốt cao, cơ thể mệt mỏi.

Ban nổi bắt đầu từ sau tai (vùng gáy), sau đó lan ra mặt rồi dần xuống ngực bụng, xuống đùi, cẳng chân, bàn chân.

Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh có thể có một số triệu chứng kèm theo như: đỏ mắt, chảy nước mũi, ho hoặc đôi khi là tiêu chảy.

Giai đoạn phục hồi

Phát ban sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Sau đó, dấu hiệu phát ban dần mờ đi, ban đầu là ở mặt, cuối cùng là vùng đùi và bàn chân. Khi các triệu chứng khác của bệnh biến mất, tình trạng ho, sạm da hoặc bong tróc ở vùng da phát ban có thể kéo dài thêm khoảng 10 ngày. Toàn thân người bệnh hồi phục dần nếu không bội nhiễm, biến chứng...

Biến chứng của sởi: thường gặp nhất là viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

4. Đối tượng nguy cơ bệnh sởi

Sởi có khả năng lây truyền mạnh trong môi trường tập thể như trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu dân cư,… Bệnh sởi tập trung ở một số nhóm đối tượng nguy cơ cao như:

  • Người chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vắc xin và không có miễn dịch từ mẹ truyền sang).
  • Người chưa có miễn dịch với sởi.
  • Người thường xuyên đi du lịch quốc tế, nhất đến những vùng là các quốc gia đang phát triển nơi bệnh sởi xảy ra phổ biến. Nếu cá nhân đến các vùng này không có biện pháp phòng ngừa thì khả năng nhiễm bệnh sẽ rất cao.
  • Những người bị thiếu hụt vitamin A trong chế độ ăn hằng ngày nếu mắc bệnh sởi rất dễ diễn tiến nặng cũng như gặp những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
  • Trẻ suy dinh dưỡng hoặc người suy giảm miễn dịch.

5. Phòng ngừa bệnh sởi

  • Thực hiện chủ động việc tiêm ngừa vắc xin bệnh sởi: theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đủ 9 tháng được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh sởi miễn phí tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, để đảm bảo tạo ra miễn dịch bền vững cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi
  • Người trưởng thành chưa tiêm hoặc không nhớ đã chủng ngừa hay chưa thì cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng sởi để tránh lây bệnh cho trẻ nhỏ và những người xung quanh. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi tăng hiệu quả phòng bệnh đến 97%.

  • Cách ly với người bệnh: bệnh sởi có khả năng lây lan cao trong khoảng 4 ngày trước cho đến 4 ngày sau khi phát ban. Do đó, người khỏe mạnh cần cách ly tuyệt đối với người bệnh để tránh mắc sởi, đặc biệt là những người chưa tiêm vắc xin.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường đặc biệt là khi đến những nơi đông đúc.
  • Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế và người nhà: đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ bệnh, đây cũng là biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các trẻ khác tại các bệnh viện có bệnh nhân mắc sởi.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt hằng ngày), giữ ấm cơ thể kết hợp cùng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường đề kháng.

6. Những loại bệnh nào có thể bị nhầm lẫn là sởi?

Các triệu chứng bệnh sởi thường gây nhầm lẫn với bệnh sốt phát ban và Rubella. Do đó, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu phát ban trên da, sốt và các triệu chứng khác giống với bệnh sởi, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán kịp thời.

Bệnh Sởi
Bệnh Sởi