Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 27° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Liên Cầu Khuẩn Lợn Là Gì?

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị.

liên cầu khuẩn lợn

1. Liên cầu khuẩn lợn là gì?

Liên cầu khuẩn lợn (tên tiếng anh: Streptococcus suis) là một loại vi khuẩn Gram dương, hình hạt đậu.

Vi khuẩn này là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh ở lợn (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp). Liên cầu khuẩn lợn cư trú ở đường hô hấp trên (xoang mũi, hạch hạnh nhân), tuy nhiên, chúng cũng có thể cư trú ở đường sinh dục và đường tiêu hóa của lợn.

Là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua giọt bắn đường hô hấp, qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chăm sóc hay chữa bệnh hoặc chế biến (người chăn nuôi lợn, người bán thịt, đầu bếp, nội trợ…).

Đôi khi vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn cũng được tìm thấy ở gia súc, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

Thời gian ủ bệnh của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người dao động từ 3 giờ đến 14 ngày. Thời gian ủ bệnh rất ngắn, liên cầu khuẩn lợn ở người xâm nhập trực tiếp vào máu qua vết thương trên da.

Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

2. Triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người

Liên cầu khuẩn lợn ở người gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan. Viêm màng não là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất. Các đặc điểm biểu hiện của viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bao gồm:

  • Đau đầu
  • Sốt
  • Nôn mửa
  • Điếc tai
  • Cứng gáy
  • Rối loạn tri giác
  • Biểu hiện trên da bao gồm chấm xuất huyết, ban xuất huyết và bầm máu, tất cả đều có thể lan rộng; bóng nước xuất huyết và hoại tử da
  • Đôi khi hoại tử ngón tay và ngón chân

Trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn xâm nhập vào máu, vi khuẩn sẽ sản sinh nhanh chóng và sinh ra nhiều độc tố. Lúc này, ngoài các triệu chứng nêu trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố nặng với các biểu hiện: tụt huyết áp, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, trụy tim mạch, suy hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Một số trường hợp bị nhiễm độc đường tiêu hóa với các biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa như đi ngoài liên tục, phân lỏng, có máu. Ngoài ra, người bị nhiễm liên cầu lợn còn có triệu chứng sợ ánh sáng, co giật, nôn mửa…; nếu không cứu chữa kịp thời có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.

3. Ảnh hưởng của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn gây cho người

Bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ gây tổn thất to lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, có thể dẫn đến nguy kịch, tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh tuy ít gặp ở người nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Các bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh thường gặp khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn là viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim và viêm khớp. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết.

4. Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người

Liên cầu khuẩn lợn ở người nhạy cảm với kháng sinh Penicillin, Ceftriaxone và Vancomycin vì vậy chúng được dùng để làm thuốc điều trị bệnh này.

Đưa người bệnh tới bệnh viện kịp thời khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn để được bác sĩ thăm khám và cho phác đồ điều trị chính xác.

5. Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Để phòng ngừa liên cầu khuẩn lợn lây sang người, cần chủ động tránh xa nguồn bệnh lây nhiễm, vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống xung quanh sạch sẽ, cụ thể:

  • Nâng cao nhận thức về nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người cho những người phải vào tiếp xúc với lợn hoặc xử lý thịt lợn.
  • Rửa kỹ tay, cánh tay và các bộ phận cơ thể sau mỗi lần tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.
  • Che vết thương hở bằng băng không thấm nước.
  • Những người bị vết thương hở phải đeo bảo hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
  • Đeo găng tay khi thích hợp.
  • Vệ sinh dụng cụ chế biến thịt lợn sạch sẽ, cần sử dụng riêng dụng cụ chế biến thịt chín và thịt sống.
  • Không để thịt lợn chưa nấu chín gần các thực phẩm đã nấu chín khác.
  • Không ăn thịt lợn bị bệnh, thịt tái, đặc biệt là tiết canh, nem chua, nem chao trong thời gian có dịch, cần chế biến kỹ (trên 70 độ C).
  • Người tiêu dùng nên chọn thịt lợn có dấu mộc kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt có màu sắc bất thường.
  • Tuân thủ các quy tắc nhập khẩu thịt tại các cửa khẩu biên giới.
  • Ở những hộ chăn nuôi khi lợn ốm chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn, tiêu hủy. Chuồng trại cần phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn hoặc báo ngay cho chính quyền địa phương để có hướng điều trị xử lý triệt để.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời trong trường hợp bị sốt sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.

Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn thấp nhưng di chứng để lại nặng nề. Vì vậy, chẩn đoán sớm và sử dụng kháng sinh thích hợp là yếu tố chính giúp điều trị hiệu quả và giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn ở người.