Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng gây ra, dễ lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm nhiễm mắt thường gặp do vi khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng gây ra, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt.
Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch nhất là vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.
Một chứng bệnh khá phổ biến là Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh do dị ứng ở mắt, thường thấy ở trẻ em từ 5 - 20 tuổi xảy ra ở những vùng có 4 mùa rõ rệt, khi hậu khô, nóng và thường xuất hiện vào mùa xuân nên được gọi là viêm kết mạc mùa xuân. Tuy nhiên hiện nay do vấn đề ô nhiễm không khí rất phổ biến nên bệnh cũng có thể gặp quanh năm.
2. Nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ
- Do virus: là nguyên gây bệnh hay gặp nhất, hầu hết bệnh do Adenovirus gây ra. Ngoài ra, còn do một số virus khác gây ra chẳng hạn như các loại virus Corona, Simplex virus và varicella-zoster virus. Với các triệu chứng: ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân, khi bệnh nhân ho, hắt hơi lúc viêm họng hay cảm cúm đi kèm…
- Do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae, Streptococcus Pneumonia, Pseudomonas Aeruginosa... có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp: ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
- Do dị ứng: như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc, thuốc, ... thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Lúc này, cơ thể tạo ra kháng thể Immunoglobulin E kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường thở giải phóng các chất gây viêm, bao gồm Histamine. Khi cơ thể giải phóng Histamine sẽ xuất hiện một số triệu chứng dị ứng như đau mắt đỏ. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
3. Con đường lây bệnh mắt đỏ
- Tiếp xúc gần như bắt tay, chạm với người bị đau mắt đỏ. Khi đó, virus và vi khuẩn di chuyển từ tay người bệnh sang tay bạn và sẽ lây lên mắt nếu bạn dụi tay vào mắt.
- Dùng đồ trang điểm mắt cũ hoặc dùng chung đồ trang điểm nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
- Dùng chung kính áp tròng với người bị bệnh đau mắt đỏ.
- Xài chung khăn lau mặt, gối ngủ với người bị bệnh đau mắt đỏ.
- Quan hệ tình dục, bệnh đau mắt đỏ do bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) lây lan khi bạn chạm vào tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm trùng và sau đó chạm vào mắt.
4. Bị đau mắt đỏ bao lâu sẽ khỏi hẳn?
Bệnh đau mắt đỏ chữa được nếu như phát hiện sớm và có phương án điều trị hợp lý. Bệnh thường khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc thậm chí là mù lòa.
Nếu người bệnh có triệu chứng đau mắt đỏ với một số tình trạng như bên dưới thì cần gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị:
- Đau mắt
- Mờ mắt
- Cảm giác vật gì đó kẹt trong mắt
- Có nhiều chất dịch màu vàng hoặc xanh chảy ra từ mắt, đặc biệt mí mắt dính nhau vào mỗi buổi sáng lúc thức dậy
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Sốt, ớn lạnh
5. Phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
- Hạn chế dùng tay chạm vào mắt: đừng dùng tay chạm hoặc dụi mắt bị nhiễm trùng. Hãy dùng khăn giấy lau nhẹ bên ngoài.
- Rửa tay thường xuyên: thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt trước khi ăn, trước và sau khi dụi mắt và sau khi ở nơi công cộng.
- Sử dụng khăn sạch và không dùng chung khăn: giữ khăn tắm, khăn lau tách biệt với những người khác, đặc biệt người đau mắt đỏ. Ngoài ra, bạn cần giặt khăn của người bệnh đau mắt đỏ với chất tẩy rửa và nước ấm để diệt khuẩn.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân trong gia đình, trường học và nơi làm việc.
- Thay vỏ gối thường xuyên: giặt sạch ga trải giường, vỏ gối của người bệnh đau mắt đỏ thường xuyên bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Tách biệt gối người bệnh đau mắt đỏ với những người khác.
- Không dùng mỹ phẩm mắt cũ: nếu bạn từng đau mắt đỏ, mỹ phẩm mắt cũ có thể là nơi trú ẩn của các tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ mà mắt thường không phát hiện được. Vì vậy, người bệnh sau khi điều trị khỏi, hãy bỏ hết mỹ phẩm mắt cũ.
- Không dùng chung mỹ phẩm: vi khuẩn trú ngụ trên bề mặt của mỹ phẩm. Việc không dùng chung mỹ phẩm giúp người bệnh hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ.
- Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh ra cộng đồng.
- Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi vì sẽ làm vi khuẩn bám vào lọ thuốc.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin C, A, E...
- Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài.
6. Bị đau mắt đỏ nên ăn gì, kiêng gì?
Thực phẩm nên ăn: người bị đau mắt đỏ cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho đôi mắt, nhanh hồi phục và ngăn biến chứng xấu do bệnh gây ra. Một số thực phẩm giàu vitamin, thực phẩm chứa chất chống oxy hóa nên ăn, gồm:
- Vitamin A: cá, gan động vật, bí ngô, khoai lang, rau màu xanh đậm, ớt chuông xanh, cà chua, các sản phẩm từ sữa,…
- Vitamin B: trứng, thịt gà, cá hồi, gan động vật, bông cải xanh, nấm, các loại đậu, hat,…
- Vitamin C: dâu tây, ổi, cam, xoài, kiwi, đu đủ, ớt chuông, cải xanh,…
- Vitamin K: trứng, dưa chuột, cà rốt, măng, cần tây, bông cải xanh, rau xà lách,…
Thực phẩm nên kiêng
- Món ăn có mùi tanh: cá mè, tôm, cua, ốc,…
- Thức uống chứa chất kích thích: cà phê, rượu, bia, nước uống có gas,…
- Món ăn có tính nóng: thịt dê, ớt, tỏi,…
- Một số thực phẩm khác: rau muống, mỡ động vật,…
- Không được tùy ý sử dụng kháng sinh
Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự điều trị, cần đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.