Đã sao chép liên kết
Thứ 6, 18/10/2024 - TP HCM 29° C TP. Hồ Chí Minh

Những loại thực phẩm không nên sử dụng với lò vi sóng

Lò vi sóng là một trong số những thiết bị gia dụng tiện lợi và phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào chúng ta cũng sử dụng chung được với lò vi sóng. Để giữ an toàn cho sức khoẻ, chúng ta không nên cho các loại thực phẩm này vào lò.

1. Trứng

Khi cho trứng sống còn nguyên vỏ vào lò vi sóng, nhiệt độ cao trong lò sẽ làm cho nhiệt độ của dung dịch bên trong quả trứng tăng cao, không khí trong quả trứng giãn nở cùng với khí nóng không có chỗ thoát hơi sẽ khiến cho lớp vỏ ngoài bị giãn ra, kết quả trứng sẽ bị nổ tung và văng ra khắp lò. Điều này xảy ra tương tự với trứng đã luộc còn nguyên vỏ.

trung

Trước khi cho vào lò vi sóng, chúng ta nên đập trứng vào dụng cụ chịu nhiệt, có thể đánh tan lòng đỏ rồi sau đó mới cho vào lò vi sóng (trứng luộc thì cắt ra thành từng miếng nhỏ) như chế biến các món ăn thông thường khác. Nhưng tốt nhất nên chế biến trứng bằng nồi hoặc chảo và sử dụng nhiệt từ bếp trực tiếp.

2. Trái cây

Trái cây khi cho vào lò vi sóng sẽ bị mất chất dinh dưỡng cần thiết bởi nhiệt độ cao của lò. Bên cạnh đó, trái cây có chứa nhiều nước và có lớp vỏ mỏng, khi làm nóng, nước bên trong sẽ quá nóng và gây nổ vỏ. Đặc biệt đối với một số loại như nho tươi hoặc nho khô thì khi gặp nhiệt độ cao, chúng sẽ bắt lửa, bị nổ và thải khí plasma làm hỏng lò.

trai-cay

Để phát huy tối đa tác dụng của trái cây, chúng ta nên ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống, không nên bỏ vào lò vi sóng.

3. Thịt gần chín (thịt tái)

Không nên đưa thịt gần chín (thịt tái) vào lò vi sóng. Khác với các cách chế biến thông thường như chiên, xào, hấp…thịt tái nếu đưa vào lo vi sóng thì các vi khuẩn có trong thịt vẫn sẽ không được loại bỏ hoàn toàn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Tốt nhất, chúng ta nên chế biến thịt tái bằng các phương pháp xào, chiên, hấp với nhiệt độ cao để đảm bảo vi khuẩn đã được loại bỏ hết.

4. Nước

Làm nóng nước trong lò vi sóng là cách được nhiều người chọn vì tốn ít thời gian. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bị bỏng xuất phát từ thói quan này. Lý do là nhiệt độ cao sẽ làm cho nước bị quá nhiệt, sôi dữ dội, các bong bóng nước sẽ bị vỡ và bắn vào tay khi lấy nước ra ngoài.

nuoc

Chúng ta nên sử dụng phương pháp đun sôi nước truyền thống bằng ấm đun siêu tốc để đảm bảo an toàn.

5. Các loại thịt đã chế biến (xúc xích, thịt muối, thịt nguội…)

Thịt chế biến không phải là loại thực phẩm bổ dưỡng tối đa vì chúng thường chứa nhiều muối, chất phụ gia, hóa chất, chất bảo quản.

Khi chúng ta cho loại thực phẩm này vào lò vi sóng, bức xạ trong lò có thể làm cho cholesterol của sản phẩm bị oxy hoá, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Chúng ta nên chế biến chúng bằng cách nướng trên bếp nướng hoặc áp chảo trên bếp.

thit-da-che-bien

6. Thịt gà

Sức nóng của lò vi sóng không phải lúc nào cũng diệt được vi khuẩn vì nó toả nhiệt từ bên ngoài thay vì từ bên trong. Vì vậy, một số thực phẩm mặc dù đã được hâm nóng nhưng vẫn còn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Thịt gà là loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn salmonella-một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột. Vì vậy, chúng ta cần phải nấu chín kỹ loại thịt này bằng các phương pháp sử dụng nhiệt trực tiếp như cho vào chảo, đặt trên vỉ nướng hoặc bỏ vào lò nướng. Các phần của thịt sẽ được chín đều, không có môi trường cho vi khuẩn salmonella sống sót.

7. Các loại nước xốt (cà chua, dâu tây…)

Cho các loại nước xốt vào lò vi sóng tuy không gây nguy hiểm như những thực phẩm kể trên nhưng chúng ta vẫn không nên sử dụng lò vi sóng để hâm nóng các loại nước xốt. Nhiệt độ cao trong lò sẽ làm cho nước xốt nóng lên, dễ bắn tung toé làm bẩn lò, tốn nhiều thời gian vệ sinh.

Cách tốt nhất là sử dụng nồi xoong chảo để chế biến hoặc hâm nóng các loại nước xốt. Nếu chúng ta không có quá nhiều thời gian để đứng canh bếp thì có thể đổ nước xốt ra tô, dĩa và dùng giấy nến (còn được gọi là giấy sáp) đậy kín miệng rồi bỏ vào lò vi sóng để giữ vệ sinh cho lò.

8. Ớt

Trong ớt có chứa một chất tên là capsaicin, là nguồn gốc dẫn đến vị cay nồng của loại thực vật này. Bình thường, khi chúng ta chiên hay xào các món ăn có ớt, mùi cay nồng sẽ được giải phóng vào không khí dẫn đến hiện tượng hắt xì, cay mắt nhưng ở mức độ nhẹ.

Cũng tương tự cho lò vi sóng nhưng lại diễn ra với mức độ cao hơn. Vì bên trong lò vi sóng là môi trường kín nên khi ớt bị tác động nhiệt thì mùi vị cay nồng sẽ rất đậm, làm cay mắt, cổ họng, khiến cho chúng ta bị sặc và có thể bị khó thở nữa.

ot

9. Sữa mẹ

Nguồn sữa mẹ thường dư rất nhiều so với nhu cầu của bé, nhất là trong những tháng đầu. Bởi vậy các mẹ cần phải vắt sữa dư sau mỗi cữ bú bằng dụng cụ hút sữa, sau đó trữ sữa bằng túi trữ trong tủ đông, bảo quản đúng cách giúp an toàn vệ sinh, duy trì dinh dưỡng và thời gian sử dụng dài của sữa mẹ.

Sữa ấm rất tốt cho hệ tiêu hóa của em bé, cung cấp nhiều dưỡng chất, tăng sức đề kháng vì vậy mà việc hâm nóng sữa đã nguội trước khi cho bé bú là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, không nên sử dụng lò vi sóng hâm sữa cho bé vì:

+ Khi hâm sữa bằng lò vi sóng trong thời gian dài, nhiệt độ quá cao sẽ làm mất các vitamin và khoáng chất có trong sữa.

+ Sự phân bố nhiệt không đều, nhiều khi ngoài bình sữa thấy lạnh nhưng sữa trong bình lại quá nóng. Nếu chúng ta không kiểm tra kỹ thì em bé uống rất dễ bị bỏng.

+ Khi hâm sữa bằng bình nhựa, nhiệt độ trong lò vi sóng cao có thể làm lớp nhựa bị chảy, chất BPA và phthalates độc hại sẽ bị rò rỉ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

+ Trong quá trình hâm sữa cho bé, lò vi sóng sẽ sinh ra các bức xạ nhiệt ion hóa, có tác động tiêu cực đến sức khoẻ non nớt của các em.

Vì vậy, đối với những gia đình có con nhỏ, chúng ta nên sử dụng máy hâm sữa chuyên dụng để đảm bảo an toàn tối đa.