Đã sao chép liên kết
Chủ Nhật, 08/09/2024 - TP HCM 27° C TP. Hồ Chí Minh

Bệnh Tay Chân Miệng

Tay chân miệng (Hand, Foot, Mouth Disease – HFMD) là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây ra, có thể phát triển thành dịch tay chân miệng.

Bệnh Tay Chân Miệng

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, ít gặp ở người lớn, biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm và có xu hướng tăng nhanh vào khoảng từ tháng 4 – 6 và từ tháng 9 – 12. Tốc độ lây từ người sang người cao nếu đã trở thành dịch.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Các biến chứng này bao gồm:

  • Biến chứng về não bộ như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...
  • Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

3. Cách nhận biết

Có thể nhận biết trẻ bị bệnh tay chân miệng dựa vào các triệu chứng:

  • Khởi phát trong vòng 1 đến 2 ngày với biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.
  • Giai đoạn phát bệnh: kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như:
    • Loét miệng: xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, đau miệng dẫn đến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt, trẻ quấy khóc.
    • Phát ban trên da dạng phỏng nước: vị trí xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại khoảng 1 tuần, sau đó sẽ để lại vết thâm, rất hiếm khi loét.
    • Biểu hiện toàn thân như: sốt nhẹ, nôn, nếu sốt cao cần chú ý các biến chứng dễ xảy ra.
  • Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày sau thời gian phát bệnh, nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không có biến chứng.

Các triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện trong khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi trẻ bị nhiễm bệnh và sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Các vết ban, mụn nước do bệnh tay chân miệng thường không đau, không có cảm giác ngứa.

Bệnh Tay Chân Miệng

4. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể bị tái nhiễm nhiều lần không?

  • Trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm nhiều lần, vì căn nguyên của bệnh có thể gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Khi trẻ mắc bệnh, cơ thể sẽ chỉ sản sinh ra một loại kháng thể để miễn dịch với loại virus đã mắc trước đó nên khi trẻ nhiễm một loại virus gây bệnh khác, trẻ vẫn có thể bị tái nhiễm.
  • Trẻ em khi nhiễm virus tay chân miệng dù có triệu chứng lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên lượng kháng thể không nhiều và không bền vững theo thời gian nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có tiếp xúc với nguồn lây.
  • 5. Khi nào nên đưa trẻ đến trung tâm y tế?

    Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, bố mẹ lưu ý đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:

    • Sốt cao ≥ 39 độ C.
    • Thở nhanh, khó thở, mệt lả.
    • Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ.
    • Đi loạng choạng.
    • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
    • Co giật, hôn mê.
    • Nôn nhiều, bỏ ăn.

    6. Điều trị bệnh tay chân miệng

    • Hiện nay chưa có thuốc điều trị chân tay miệng đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
    • Theo dõi nhằm phát hiện sớm và điều trị sớm biến chứng.
    • Đảm bảo về mặt dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.

    7. Phòng bệnh tay chân miệng

    • Tập cho trẻ thói quen rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, xì mũi hay tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người khác.
    • Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng, quần áo,…
    • Dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.
    • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh nếu không thực sự cần thiết.
    • Cách ly trẻ bệnh tại nhà: không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
    • Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly.
    • Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da người bệnh tránh tình trạng cơ thể bị nhiễm thêm virus.
    • Vệ sinh môi trường sống: lau phòng ở của người bệnh, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh.
    • Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
    • Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...

    Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Đặc biệt, trong giai đoạn này trẻ có thể chậm nói, chậm vận động...nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.