Hôi nách không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Người bị hôi nách thường tự ti, xấu hổ, e ngại khi giao tiếp hoặc tiếp xúc với người khác.
1. Hôi nách là gì?
Hôi nách hay mồ hôi nách có mùi là một hiện tượng phổ biến ở những người sau tuổi dậy thì, là tình trạng tăng tiết mùi cơ thể từ vùng da dưới cánh tay. Bản thân mồ hôi không có mùi nhưng khi vi khuẩn phân hủy các tiền chất từ tuyến mồ hôi dầu sẽ tạo mùi. Lượng mồ hôi mà cơ thể đổ ra không nhất thiết ảnh hưởng đến mùi hương.
Hôi nách càng trở nên trầm trọng hơn vào mùa nóng, mồ hôi ra nhiều hoặc tiết trời hanh khô.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu do sự bài tiết của các tuyến mồ hôi đầu tiết (apocrine gland).
Tuyến mồ hôi là những cấu trúc hình ống nhỏ của da tiết ra mồ hôi, là một loại tuyến ngoại tiết, sản xuất và tiết ra các chất trên bề mặt biểu mô thông qua các ống dẫn. Tuyến mồ hôi được chia làm hai loại khác nhau:
- Các tuyến mồ hôi eccrine (tuyến mồ hôi nhỏ) được phân bố gần như khắp cơ thể người, với mật độ khác nhau, mật độ cao nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, sau đó ở trên đầu. Có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã (99% nước và 0.5% muối). Tuyến eccrine tiết chất lỏng trực tiếp lên trên bề mặt da.
- Các tuyến mồ hôi apocrine (tuyến mồ hôi lớn) chủ yếu nằm ở lớp dưới da, mở ra ở các lỗ chân lông, tuyến này chỉ phân bố ở nách, âm hộ và lông mày, thải ra một loại chất lỏng khá đặc có chứa lipid, protein và sắt. Nếu các chất này bị vi khuẩn phân hủy thì sẽ tạo thành một loại axit béo không bão hòa có mùi khó ngửi được gọi là mùi hôi nách. Mỗi cơ thể có một mùi đặc trưng, thường không giống nhau. Mùi cơ thể có sự khác biệt khá rõ giữa nam và nữ. Tuyến apocrine tiết ra chất lỏng vào nang lông rồi chất lỏng từ nang lông len ra da.
Tuyến apocrine là thủ phạm chính của bệnh hôi nách, tuyến apocrine không hoạt động trước tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, sự thay đổi về nội tiết (hormone) làm cho tuyến apocrine hoạt động, sau đó tiết ra hoạt chất giống pheronome có vai trò như tín hiệu thu hút người khác giới.
Người bị hôi nách có nhiều tuyến apocrine hơn và mức độ hoạt động của tuyến cao hơn những người không bị hôi nách. Bên cạnh đó các yếu tố như thực phẩm, hormone hoặc thuốc có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể.
2. Nguyên nhân gây mồ hôi nách
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi nách, trong đó thường gặp là:
- Thói quen ăn uống cay nóng hay nhiều dầu mỡ, hành, tỏi, thực phẩm có chứa caffeine dễ kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi.
- Vận động nhiều (khi hoạt động thể thao, lao động) gây tăng tiết mồ hôi kèm theo vệ sinh kém.
- Lạm dụng các chất khử mùi.
- Do di truyền.
- Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ: lười tắm hay ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và tự sản sinh ở những vùng da có độ ẩm cao như nách.
- Khi đến tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi phát triển mạnh dẫn đến bị hôi nách. Bên cạnh đó, các trường hợp như phụ nữ đang mang thai, đã sinh con, tiền mãn kinh hay thay đổi nội tiết tố cũng gây ra mùi trên cơ thể.
- Thường xuyên dùng dao cạo lông nách làm phì đại nang lông, tăng bài tiết chất béo trên bề mặt da.
- Tình trạng hôi nách cũng xuất hiện khi tâm trạng bất ổn, căng thẳng quá độ khiến các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức.
- Do bệnh lý: liên quan đến gan, thận, hệ tiêu hóa, tuyến giáp, các bệnh viêm nhiễm,…
3. Dấu hiệu bệnh hôi nách
Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh hôi nách bao gồm:
- Tăng tiết mồ hôi: mồ hôi vùng nách tiết ra nhiều hơn bình thường, đặc biệt trong những ngày thời tiết nóng nực hoặc khi tâm lý căng thẳng, hoạt động mạnh.
- Vùng áo dưới cánh tay bị ố.
- Rỉ tai ướt dính, tuy nhiên, người bị hôi nách giai đoạn đầu rỉ tai có thể khô như người bình thường.
- Mồ hôi có màu bất thường: mồ hôi có màu vàng nhạt hoặc trắng đục, có tính nhờn dính và khó rửa trôi. Mồ hôi thấm vào áo vùng nách dần dần sẽ hình thành những vệt ố vàng khó giặt sạch.
- Mùi khó chịu: vùng nách phát ra mùi nặng, hắc, khó ngửi khi vận động nhiều hoặc khi thời tiết nóng nực.
- Lông nách bị bết dính, có chất kết dính màu trắng đục ở chân lông do mồ hôi chứa nhiều axit béo, khi bị đào thải ra ngoài khó bị rửa trôi mà ứ đọng dần ở tuyến nang lông, tạo thành lớp màng nhầy màu trắng đục bao quanh gốc chân lông nách.
4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hôi nách
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh hôi nách bao gồm:
- Đối tượng tuổi dậy thì: các tuyến mồ hôi thường hoạt động mạnh hơn ở cả nam và nữ khi bước sang giai đoạn này.
- Người có tuyến mồ hôi hoạt động quá mạnh hoặc do ít vệ sinh cơ thể sạch sẽ cũng như vệ sinh không đúng cách khiến cho mồ hôi bị các vi khuẩn tấn công tạo thành các axit béo không bão hòa gây nên mùi khó chịu.
- Người có thói quen hay ăn các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, những loại thực phẩm có mùi như hành, tỏi, măng tây… cũng khiến cơ thể có mùi. Sau khi cơ thể phân hủy thức ăn, lượng chất hóa học đi đến tuyến apocrine, một tuyến ở nách. Tại đây các chất này được thải ra và gây mùi cơ thể.
- Người thường xuyên bị căng thẳng, dễ nổi nóng…
- Người thường sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
- Người dùng thuốc trị bệnh: thuốc morphine hay thuốc hạ sốt khiến cơ thể đổ mồ hôi, gây ra mùi hôi nách. Ngoài ra, các bệnh như gan thận và tiểu đường cũng làm xảy ra tình trạng này. Khi đó, người bệnh gan có mùi giống như amoniac trong khi người bị tiểu đường có mùi giống như sơn móng tay.
- Di truyền: mùi hôi nách còn có khả năng do di truyền vì các thành viên trong gia đình thường có mùi liên quan đến nhau.
5. Biện pháp ngăn ngừa tình trạng hôi nách
Cơ thể của mỗi người là khác nhau và những phương pháp có hiệu quả với người này chưa chắc có hiệu quả với người khác. Có thể áp dụng các biện pháp như bên dưới:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: tắm rửa mỗi ngày và sau khi vận động nhiều (chơi thể thao, tập thể dục…), thay quần áo mới mỗi ngày để vi khuẩn không bám trên da và quần áo.
- Hạn chế các loại thực phẩm có tính kích thích mùi mạnh như: hành, tỏi, sầu riêng, mít, ớt, hồi, quế,…
- Ăn nhiều thực phẩm có lợi cho hệ bài tiết như: nước ép trái cây tươi, sinh tố, trái cây tươi, bắp cải, rau xanh,…
- Sử dụng một vài loại mỹ phẩm: có thể dùng một ít phấn trẻ em để thoa lên vùng nách sau khi tắm hoặc cũng có thể dùng các loại khử mùi dạng lăn hoặc dạng xịt.
- Uống đủ nước hàng ngày: trung bình 2 – 2,5 lít nước/mỗi ngày, những người vận động càng nhiều thì nên bổ sung lượng nước càng lớn.
- Để vùng nách được thông thoáng: nên chọn những trang phục vừa vặn với cơ thể, vải làm bằng chất liệu dễ thấm hút mồ hôi. Không mặc quần áo quá bó sát, vải quá dày hoặc quá chật so với cơ thể.
- Lau khô nách thật kỹ sau khi tắm để hạn chế độ ẩm, giảm tình trạng mồ hôi có mùi.
- Hạn chế cạo hay nhổ lông nách: không dùng dao cạo hay nhổ lông nách bằng nhíp hoặc dùng các nguyên liệu tự nhiên khác. Nếu cần triệt lông nách người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn.
- Vận động, tập thể dục thường xuyên.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học hợp lý để có một cơ thể khỏe mạnh.
6. Những liệu pháp dân gian có thể sử dụng để giảm tình trạng hôi nách
- Bột phấn rôm em bé: thoa nhẹ bột phấn rôm lên nách, mùi thơm của phấn sẽ giảm bớt mùi hôi, đồng thời hạn chế tiết mồ hôi rất tốt.
- Rượu: thoa nhẹ ít rượu hoặc pha rượu với nước để rửa nách mỗi ngày.
- Nước chanh: cắt đôi một trái chanh và chà xát nhẹ vùng nách, có thể vắt nước chanh tươi rồi bôi vào nách sau khi tắm. Bạn có thể dùng khăn thấm hoặc pha loãng với nước để xịt đều được. Chanh có tính axit giúp cân bằng độ pH cho vùng da dưới cánh tay, loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt và còn giúp làm sáng vùng nách tối màu.
- Giấm táo: cho một chút giấm táo vào chén, thấm bông gòn lau sạch nách trong 2-3 phút rồi tắm. Thực hiện mỗi ngày 2 lần, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
- Cà chua: nghiền nát hoặc xay nhỏ cà chua, lấy nước cốt để tắm. Thực hiện mỗi ngày một lần để giảm bớt mùi cơ thể. Có thể kết hợp uống nước ép cà chua mỗi ngày.
- Baking soda: trộn đều một muỗng nhỏ baking soda với nước cốt chanh rồi bôi lên nách, giữ trong 30 phút rồi tắm lại.
- Gừng: rửa sạch, cạo vỏ và giã nhuyễn để lấy nước cốt sau đó thoa lên vùng nách đã được vệ sinh sạch sẽ. Giữ trong 30 phút rồi rửa lại với nước.
- Khổ qua: rửa sạch lá khổ qua rồi xay nhuyễn lấy nước. Sau khi tắm rửa, vệ sinh vùng nách sạch sẽ thì thoa nước lá khổ qua trực tiếp lên, giữ trong 30 phút rồi rửa lại với nước.
- Phèn chua: sau khi tắm sạch, lau khô vùng nách rồi lấy bột phèn chua xát vào. Mỗi ngày một lần. Bài thuốc này rất hiệu quả vì trong phèn chua có thành phần chính là nhôm sun - fat, khi mồ hôi ở nách tiết ra sẽ bị khử bởi chất này.
Khi bạn đã thử qua các phương pháp điều trị và ngăn ngừa tại nhà nhưng không mang lại hiệu quả, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Hôi nách có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tiềm ẩn, không nên để tình trạng này kéo dài và nên đến bệnh viện để được kiểm tra sớm nhất.