Một số loại thực phẩm được xem là thảo dược trị ho hiệu quả. Thay vì sử dụng thuốc tây thì chúng ta có thể sử dụng các loại thảo dược này để thay thế, vừa giúp trị ho an toàn mà còn tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lê có tính giải nhiệt, vị ngọt, có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt. Ngoài ra, trong lê còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, phospho, axit amin và chất chống oxy hóa giúp cải thiện chức năng hô hấp và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Lê hấp đường phèn là bài thuốc trị ho dân gian rất hữu hiệu, được áp dụng phổ biến nhằm thay thế các toa thuốc tây. Với nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, chúng ta có thể chế biến theo cách sau:
Lựa chọn những quả lê với kích thước vừa phải, cắt nắp và bỏ lõi.
Cho vào quả lê 2~3 viên đường phèn hạt to hoặc 1 muỗng canh đường phèn hạt nhỏ, đậy nắp quả lê lại.
Cho quả lê vào nồi và hấp cách thuỷ khoảng 30 phút, sau đó lấy ra và sử dụng khi còn ấm.
Chúng ta sử dụng cả nước và cái. Nếu dùng không hết, có thể dùng một nửa, phần còn lại cất tủ lạnh, sau hâm nóng và tiếp tục sử dụng. Sử dụng 1~2 lần/ngày cho trẻ em và 2~3 lần/ngày cho người lớn.
Có thể cho thêm vào 1 vài lát gừng/kỷ tử/táo tàu hấp chung để có thêm hương vị và tăng dưỡng chất.
Lưu ý: Chống chỉ định cho những ai bị dị ứng với quả lê, những người đang bị tiêu chảy vì lê có tính hàn sẽ làm cho tình trạng đau bụng trở nên nặng hơn.
Chanh đào thuộc họ cam, chứa rất nhiều vitamin A, B1, B2 và đặc biệt là có lượng vitamin C dồi dào. Chanh đào có vị chua tính mát, tác dụng giải khát, tiêu đờm, thông khí, chữa ho và viêm họng.
Chúng ta có thể chế biến quả chanh đào bằng nhiều phương pháp để giúp giảm các cơn ho, tiêu đờm hiệu quả:
Chanh đào kết hợp với gừng:
Cho 4~6 quả chanh đào đã cắt lát mỏng cùng với vài lát gừng vào nồi chứa khoảng 500ml nước, đun sôi lửa nhỏ khoảng 10 phút. Sau đó cho hỗn hợp vào bình, bảo quản tủ lạnh.
Mỗi lần sử dụng, cho 1 ít hỗn hợp vào ly, pha thêm nước ấm, mật ong hoặc đường phèn tuỳ nhu cầu của mỗi người. Sử dụng 3~4 lần/ngày để có kết quả tốt.
Chanh đào ngâm mật ong:
Nguyên liệu: Chanh đào 0.5 kg, mật ong 1 lít. Chọn trái chanh đào to, tươi, mọng nước.
Chanh rửa qua nước, để cho thật khô ráo sau đó cắt thành từng lát mỏng và cho vào lọ thuỷ tinh, đổ mật ong vào và đậy nắp kỹ. Có thể sử dụng ngay hoặc ngâm từ 2~3 tháng để sử dụng dần.
Khi uống, lấy một muỗng nước chanh đào mật ong cho vào 150 ml nước ấm (hoặc tuỳ khẩu vị mỗi người mà có thể cho nhiều hoặc ít hơn), khuấy đều. Sử dụng 2~3 lần/ngày để giảm cơn ho.
Chanh đào ngâm đường phèn mật ong:
Nguyên liệu: Chanh đào 0.5 kg, đường phèn 0.5 kg, mật ong 1 lít.
Chanh rửa qua nước, để cho thật khô ráo rồi cắt thành từng lát mỏng và cho vào tô trộn chung với đường phèn (nếu là đường phèn hạt to thì phải đập vụn trước khi cho vào trộn). Sau đó cho hỗn hợp chanh đường vào hủ thuỷ tinh (nên sử dụng loại chất lượng).
Tiếp đến chúng ta đổ mật ong vào. Dùng vỉ nan tre hoặc chén nhỏ để nén chanh xuống, đậy nắp kín. Để hỗn hợp khoảng 3 tháng và sử dụng.
Quả chanh ngâm còn tươi sẽ có vị đắng nhưng sẽ bớt đắng theo thời gian, ăn ngon như ô mai. Thực tế, chanh đào đường phèn mật ong ngâm càng lâu càng tốt nên sau 3 tháng, chúng ta cứ dùng dần, không cần cố gắng sử dụng cho hết thật nhanh.
Lưu ý: Người bị viêm loét dạ dày, các bệnh về thận, túi mật không nên dùng chanh đào và các chế phẩm từ chanh. Vị chua của chanh đào sẽ làm tăng tiết axit trong dạ dày. Người có chứng ợ nóng không nên uống nhiều nước chanh vì có thể gây kích thích, lâu dần gây bệnh đường tiêu hóa.
Không nên uống nước chanh khi bụng đói. Nên pha loãng với nước ấm và uống sau khi ăn 30 phút.
Là 2 nguyên liệu phổ biến trong các loại thuốc chữa bệnh cổ truyền. Ngoài tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể... sử dụng tỏi ngâm với mật ong còn giúp trị ho, dứt cảm lạnh và viêm họng rất hiệu quả, cách chế biến lại vô cùng đơn giản:
Bóc 3 tép tỏi, giã nát, cho vào chén cùng với 2 muỗng canh mật ong và trộn đều. Sau đó bỏ vào nồi hấp cách thuỷ từ 5~10 phút. Để nguội rồi bảo quản trong hộp thuỷ tinh đậy nắp kín.
Có thể dùng trực tiếp, mỗi lần sử dụng 1 muỗng cà phê. Hoặc cho vào nước ấm khuấy đều rồi thưởng thức. Dùng 2~3 lần/ngày.
Việc đập dập, giã nát tép tỏi tươi sẽ giải phóng nhiều allicin hơn sử dụng cả tép (allicin là chất giúp cơ thể kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol…). Tuy nhiên, tỏi băm nhỏ hoặc nghiền nát có thể làm hao hụt hàm lượng allicin nhanh chóng. Vì vậy, để đạt được lợi ích tối đa của hợp chất allicin này, chúng ta chỉ nên sử dụng hỗn hợp tỏi và mật ong trong thời gian ngắn (1~2 ngày), tránh để lâu.
Gừng tươi có vị cay, tính ấm và còn có đặc tính diệt vi khuẩn. Củ cải trắng có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh về hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Củ cải trắng khi được dùng cùng với gừng sẽ hỗ trợ giảm ho do nhiễm lạnh, cảm cúm… Cùng với cách chế biến rất đơn giản, hỗn hợp này được khá nhiều gia đình sử dụng dùng làm thảo dược trị ho, tiêu đờm hiệu quả:
Đầu tiên, chuẩn bị củ cải trắng và gừng tươi theo tỉ lệ 4 : 1 (củ cải trắng 1kg, gừng tươi 250g), rửa sạch và đem xay nhuyễn. Bỏ phần vừa xay vào tô, cho vào một ít nước và mật ong rồi hấp cách thuỷ trong 15 phút.
Sau khi hấp xong, đem hỗn hợp lọc lấy nước, bảo quản trong chai thuỷ tinh và cất tủ lạnh. Mỗi lần sử dụng, chúng ta lấy ra khoảng 2 muỗng cà phê, pha chung với nước ấm. Dùng 3~4 lần/ngày.
Theo Đông y, không nên sử dụng chung củ cải trắng với nho, lê, táo vì có thể gây ra triệu chứng bướu cổ.
Những bài thuốc trên dù có tác dụng chữa ho tốt nhưng chỉ hỗ trợ điều trị những trường hợp mới chớm ho và tiêu đờm. Trường hợp bị ho khan, ho mãn tính, ho nặng lâu ngày thì nên đi thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.