Đã sao chép liên kết
Thứ 3, 10/09/2024 - TP HCM 26° C TP. Hồ Chí Minh

Mẹo Trị Ngủ Ngáy

Ngáy là những âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô đường hô hấp trên. Ngủ ngáy vừa tạo ra sự phiền toái cho những người xung quanh vừa tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mẹo Trị Ngủ Ngáy

1. Ngủ ngáy là bệnh gì?

Ngủ ngáy là tình trạng vừa ngủ vừa phát ra âm thanh gây ồn ào trong vô thức. Khi hít thở trong lúc ngủ, do lượng khí vào đi qua vùng họng hẹp phía sau, khiến các niêm mạc mô xung quanh rung lên, tạo ra tiếng ngáy.

Ngáy là hành vi phổ biến, xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới trong độ tuổi 30 – 60.

2. Nguyên nhân ngủ ngáy?

Trong hầu hết các trường hợp gây cản trở, khiến cho không khí giữa thanh quản và mũi lưu thông không được bình thường đều gây ra hiện tượng ngủ ngáy. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như:

  • Do các dị tật bẩm sinh gây ra như hẹp cổ họng, cuống lưỡi lớn, cuống họng quá dài, chân lưỡi dày,...
  • Do mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, amidan quá lớn,...
  • Do thừa cân, béo phì. Các mô ở vùng khoang miệng, ở cổ gây ra áp lực lên đường thở.
  • Sử dụng rượu bia hoặc thuốc an thần trước khi ngủ.
  • Ngủ ngáy cũng có thể do các yếu tố gia đình như gen di truyền.
  • Thai kỳ: do đường dẫn khí ở mũi bị sưng tấy. Nồng độ estrogen cao khi mang thai có thể khiến niêm mạc mũi sưng lên và tiết ra nhiều chất nhầy hơn, dẫn đến hẹp đường thở.

3. Ngủ ngáy có nguy hiểm không?

Ngoài việc gây khó chịu đối với người ngủ cùng thì bản thân người mắc bệnh ngủ ngáy cũng cần phải lưu ý đến một số nguy cơ sức khỏe như:

  • Trẻ em bị ngủ ngáy thường khó đi vào giấc ngủ do đó làm giảm chất lượng giấc ngủ như: ngủ không say, không sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, do não bị thiếu oxy khi ngủ.
  • Đối với người lớn, khi mắc bệnh ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh mệt mỏi do não bộ không được nghỉ ngơi hoàn toàn. Ở mức độ nghiêm trọng, ngủ ngáy còn có thể làm xáo trộn sóng điện não, làm giảm trí nhớ, năng suất làm việc, khả năng tập trung, tinh thần mệt mỏi ...
  • Bên cạnh đó, người mắc bệnh ngủ ngáy cũng có nguy cơ bị các bệnh khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quỵ trong lúc ngủ. Ngủ ngáy cũng làm suy giảm khả năng tình dục, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
  • Ngáy liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ: có thể ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể của người bệnh, liên quan đến tình trạng buồn ngủ ban ngày nguy hiểm và các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ và trầm cảm.

4. Mẹo chữa ngủ ngáy

  • Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao một cách thường xuyên và đều đặn sẽ giúp giảm và duy trì cân nặng ổn định, đồng thời còn giúp tăng lượng oxy lên não.
  • Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
  • Tránh căng thẳng, thức khuya.
  • Hạn chế ăn nhiều vào bữa tối để tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
  • Có thể nằm nghiêng và giữ đầu cao lúc ngủ để dễ thở hơn.
  • Không nên sử dụng thuốc an thần hoặc bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng tương tự trước lúc ngủ.
  • Điều trị triệt để các bệnh viêm mũi dị ứng, bệnh lý ở miệng họng, hô hấp.

5. Khi nào cần điều trị ngủ ngáy?

Nếu ngáy ngủ là triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm. Biểu hiện:

  • Ngáy kèm theo tiếng thở hổn hển, nghẹt thở hoặc khịt mũi
  • Ngáy xảy ra ba lần trở lên mỗi tuần
  • Ngáy rất to hoặc khó chịu
  • Buồn ngủ ban ngày, thiếu tập trung trong các hoạt động
  • Nhức đầu buổi sáng
  • Huyết áp cao
  • Nghiến răng ban đêm