Đã sao chép liên kết
Thứ 2, 16/09/2024 - TP HCM 26° C TP. Hồ Chí Minh

Mẹo Chữa Nấc Cụt

Nấc cụt là hiện tượng sinh lý bình thường, là tình trạng co bóp đột ngột của cơ hoành và các cơ ở giữa xương sườn. Một cơn nấc thường kéo dài trung bình từ 5 đến 10 phút nhưng cũng có thể kéo dài đến vài giờ hoặc thậm chí đến vài ngày, vài năm (điển hình như cơn nấc kéo dài 68 năm của Charles Osborne (1894-1991), đã có ghi nhận trong sách kỉ lục Guiness).

Tần số nấc thay đổi tùy từng người. Khi nấc cụt, không khí bất ngờ tràn vào phổi, đồng thời dây âm thanh bị kín lại, dẫn đến phát ra âm thanh đặc trưng.

Mẹo Chữa Nấc Cụt

1. Nguyên nhân gây nấc cụt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nấc cụt, một số nguyên nhân phổ biến thường gặp như:

  • Dạ dày bị giãn căng: khi bạn ăn quá no hoặc uống các loại nước có gas làm dạ dày bị giãn căng nhanh chóng tạo ra những cơn nấc cụt ngắn, thường chỉ kéo dài trong khoảng thời gian không quá 48 giờ.
  • Thay đổi nhiệt độ: việc thay đổi nhiệt độ bất ngờ cũng sẽ làm cho bạn dễ bị nấc cụt nhưng điều này vẫn chưa được xác minh là đúng hoàn toàn 100%. Dẫu vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc tăng hoặc giảm nhiệt độ đột ngột có thể kích thích thần kinh và tạo sự co giãn không bình thường trong cơ hoành, dẫn đến việc xuất hiện các cơn nấc cụt.
  • Căng thẳng: trong một số trường hợp nhất định, khi gặp căng thẳng cơ thể bạn sẽ tự nhiên có những cơn nấc cụt bất ngờ, liên tục. Tuy nhiên, nguyên nhân này cũng tương tự như sự thay đổi nhiệt độ, có nghĩa là chưa được minh chứng 100%.
  • Phẫu thuật: sau khi trải qua những cuộc phẫu thuật ở vùng bụng hoặc ngực, dây thần kinh hoành và thần kinh phế vị dễ bị kích thích nhiều hơn tạo ra nấc cụt.
  • Ăn cay: ớt cay kích thích họng, thực quản gây rối loạn vận động thực quản sinh nấc cụt.

2. Làm sao cho hết nấc cụt?

Nấc cụt là một hiện tượng sinh lý bình thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe, không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nấc cụt kéo dài, nó sẽ mang đến cảm giác khó chịu, không thoải mái. Bạn có thể tham khảo một số mẹo chữa nấc cụt như bên dưới:

  • Uống nước: uống từng ngụm nước hoặc dùng ống hút cũng có tác dụng làm ngừng cơn nấc. Bởi vì uống nước tạo ra một nhịp co thắt ở thực quản một cách đều đặn, giúp đè và ngăn cơ hoành co thắt đột ngột.
  • Nuốt một thìa đường: đây là mẹo dân gian được các bà các mẹ thực hiện khi con cháu mình bị nấc cụt. Vị ngọt dễ chịu của đường có thể làm giảm sự tập trung vào cơn nấc và tạo cảm giác thoải mái cho trẻ. Cơ chế là khi các hạt đường kích thích vào niêm mạc họng thực quản khiến các dây thần kinh tự thiết lập lại phản xạ, cơ hoành không còn co thắt liên tục và không tạo ra nấc.
  • Ngậm một viên đá: ngậm trong miệng hoặc nhờ người bất ngờ xoa đá lên mặt giúp bạn ngừng nấc dễ dàng hơn. Nếu bạn cảm thấy quá lạnh khi bị đá chà trực tiếp lên mặt thì lấy lớp vải mỏng bọc qua rồi tiến hành.
  • Hít thở sâu: hít sâu và giữ hơi thở càng lâu càng tốt ít nhất là giữ được 10 giây, sau đó thở ra bằng miệng nhẹ nhàng, làm lại nhiều lần cho đến khi ngừng nấc. Khi bạn thở sâu làm cho cơ hoành bị căng cứng và ngăn không cho cơ co lại. Đây là cách chữa nấc khá hiệu quả.
  • Mật ong: khi uống mật ong, mật ong sẽ tạo các xung động được dây thần kinh phế vị truyền thẳng từ não đến dạ dày không qua cơ hoành khiến cơ hoành không bị co cơ liên tục.
  • Bịt hai tai: bịt tai trong vòng 5 phút, xoa tay đều nhịp nhàng, tránh ấn mạnh gây đau tai. Khi bịt hai tai, bạn đã kích thích các nhánh của dây thần kinh phế vị tạo cung phản xạ mới từ đó làm ngừng cơn nấc.
  • Sợ hãi: dù sợ hãi là nguyên nhân gây nấc nhưng chính bản thân nó là cách giúp hết nấc. Cách này đã được nhiều người áp dụng và cho kết quả rất tốt.
  • Thè lưỡi ra ngoài hoàn toàn: hành động này có thể tạo áp lực trong vùng họng và thất, từ đó có thể giảm cơn nấc hiệu quả.

Lưu ý:

Trong một số tình huống, cơn nấc cụt kéo dài có thể được gây ra bởi các nguyên nhân như tổn thương dây thần kinh kết nối với cơ hoành, do các vấn đề như chấn thương, đau họng… và có liên quan đến một số bệnh lý khác. Vì vậy, những trường hợp mà cơn nấc cụt kéo dài và không thể được kiểm soát bằng các biện pháp trên, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chính xác.